Ngày 23/7, một thành viên của FPT đã viết lời chia tay tới ông Trương Đình Anh trên trang cá nhân, cho biết cả gia đình cựu Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh (vợ chồng, cùng 4 con trai) đã bay sang Mỹ trong ngày thứ bảy (23/7) vừa qua.
Sau khi rời khỏi chức vụ TGĐ Tập đoàn FPT, hoạt động kinh doanh của ông Trương Đình Anh được nhiều người biết đến nhất là việc ông vừa đại diện cho quỹ đầu tư và vừa đầu tư với tư cách cá nhân vào công ty M-Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo.
Trao đổi với ICTnews, một nguồn tin cho biết, sau khi qua Mỹ, ông Trương Đình Anh vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh của MoMo.
Cụ thể, ông vẫn là thành viên HĐQT của công ty và đưa ra những chỉ đạo về định hướng, chiến lược phát triển của công ty từ xa. Khi cần thiết, ông vẫn trở lại Việt Nam để tham gia vào các cuộc họp quan trọng liên quan đến việc kinh doanh của công ty.
Sau khi rời FPT, ông Trương Đình Anh khá “kín tiếng”. Trong một lần trả lời trang tài chính Gafin trước đây, ông cho biết hiện tại mình hoạt động với tư cách nhà đầu tư cá nhân và sau đó trên hồ sơ cá nhân của ông ở một số mạng xã hội đăng tải, có thêm thông tin ông có tham gia vào một quỹ đầu tư tên gọi là ATAMS.
Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh có tham gia Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), một doanh nghiệp chuyên về sản xuất phim, cũng như hoạt động mạnh trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam.
Ngay sau đó, vào năm 2013 công ty này được Tập đoàn PPB của Malaysia mua lại 25,8% cổ phần với giá 20 triệu USD. Nhưng ông Trương Đình Anh có đầu tư vào đây và có cổ phần hay không vẫn là một dấu hỏi lớn, chưa có câu trả lời.
Sau khi bất ngờ từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn FPT vào tháng 9/2012, vì những khác biệt trong điều hành và hoạch định chiến lược giữa ông và HĐQT.
Ông Trương Đình Anh bắt đầu chính thức rút khỏi HĐQT FPT vào ngày 30/6/2014 và kể từ 1/7/2014, ông không còn nắm giữ bất cứ chức vụ nào ở Tập đoàn này.
MoMo là một ứng dụng thanh toán qua di động, hoạt động dưới dạng Ví điện tử của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (viết tắt M_Service), được cấp phép chính thức vào ngày 16/10/2015.
Với giấy phép này, tiền trong tài khoản ví MoMo có giá trị 100% tiền thật và bảo chứng bởi Ngân hàng. Ứng dụng cho phép chuyển nhận tiền qua số điện thoại di động.
Đồng thời, MoMo còn hỗ trợ nhắc và thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, nạp tiền điện thoại, thẻ game, mua vé máy bay, vé xem phim,...
Hiện MoMo liên kết với 24 ngân hàng nội địa và thẻ thanh toán quốc tế Visa, Master, JCB, cung cấp 100 dịch vụ từ thanh toán hóa đơn điện, nước, internet; Thanh toán vay tài chính tiêu dùng; mua vé xem phim, vé máy bay; Bình chọn các gameshow truyền hình…
Đáng chú ý, ngày 17/3/2016 vừa qua, MoMo đã nhận được 28 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế.
Trong đó Goldman Sachs là nhà đầu tư đầu tiên rót vốn vào MoMo vào năm 2013 với số tiền 5,75 triệu USD và họ tiếp tục công bố đầu tư 3 triệu USD vào dịch vụ này, còn 25 triệu USD còn lại do Standard Chartered Private Equity đầu tư.