Thông tin trên vừa được hai quan chức Mỹ tiết lộ hôm 19-3.
Theo Reuters, một nguồn tin doanh nghiệp – vốn tham gia thảo luận về vấn đề này với chính quyền, cho hay thuế quan với Trung Quốc có thể được tiến hành một giai đoạn lấy ý kiến công khai, từ đó sẽ giãn ngày có hiệu lực lại và cho phép các nhóm công nghiệp và các công ty đưa ra phản biện.
Điều này tương đối khác với lần triển khai nhanh đối với thuế nhập khẩu thép và nhôm được chính quyền Trump đưa ra trước đó, sẽ có hiệu lực vào ngày 23-3 tới, chỉ 15 ngày sau khi Tổng thống Trump ký.
Cách tiếp cận hòa hoãn đối với gói thuế mới nói trên có thể cho phép thời gian dành cho đàm phán với Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề thương mại liên quan tới cuộc điều tra "Mục 301" của chính quyền Mỹ với các hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trước khi chính sách thuế mới này đi vào hiệu lực.
Theo Reuters, hôm 19-3, Nhà Trắng đã từ chối bình luận. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ có các biện pháp trả đũa.
Reuters cũng là hãng tin đầu tiên thông tin về kế hoạch áp thuế 60 tỉ USD này hồi tuần trước.
Theo đó, một nguồn tin có liên hệ trực tiếp với chính quyền đã tiết lộ rằng gói thuế này – được đưa ra dưới Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, sẽ nhằm chủ yếu vào công nghệ thông tin, điện tử tiêu dùng, viễn thông và các sản phẩm khác có liên quan tới sở hữu trí tuệ của Mỹ. Tuy nhiên, các mặt hàng bị đánh thuế có thể rộng hơn và nhằm vào cả các sản phẩm tiêu dùng như quần áo, giày dép, với một danh sách "trúng đòn" có thể lên tới 100 sản phẩm, nguồn tin nói.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là 375 tỉ USD và khi cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm Washington gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu vị này tìm biện pháp giảm con số nêu trên.
Hồi tháng 1, Tổng thống Trump nói với Reuters rằng ông đang xem xét "gói phạt lớn" trong cuộc điều tra cáo buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng chính quyền Trung Quốc đã ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao sử hữu trí tuệ cho Trung Quốc mới được làm ăn trên đất nền kinh tế số 2 thế giới.