Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã kết thúc, khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ông đã có chiến thắng quan trọng trong vấn đề ngân sách quốc phòng với các nước đồng minh của mình. Theo The Guardian, ông Trump đã đưa ra một hạn chót để các nước còn lại trong NATO tăng chi ngân sách quốc phòng, hoặc phải chứng kiến nước Mỹ rời bỏ khối.
Trong những giờ cuối cùng của Hội nghị NATO, ông Trump đã đẩy các nhà lãnh đạo của liên minh 29 thành viên này đến một sự hỗn loạn. Tổng thống Mỹ đến dự phiên họp muộn, bỏ qua mọi thương thảo đang được thực hiện và yêu cầu nói chuyện về vấn đề tăng chi quốc phòng.
Sau cuộc họp, ông Trump ngay lập tức mở một cuộc họp báo, thông báo rằng ông đã chiến thắng các nước châu Âu khác, xung quanh yêu cầu tăng chi ngân sách quốc phòng của ông. Dù vậy, sau đó tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng bị Pháp và Đức bác bỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các nước NATO đã đồng ý tăng chi ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP nhanh hơn kế hoạch được đưa ra trước đó, ông thậm chí còn nói rằng các nước NATO sẽ chi quốc phòng nhiều hơn nữa trong tương lai.
"Tôi có thể nói với mọi người rằng NATO hiện giờ thực sự là một cỗ máy đã được tinh chỉnh. Mọi người đã chịu trả tiền ở mức mà họ chưa bao giờ trả trước đây. Họ rất vui khi làm điều đó. Và Mỹ đang được đối xử công bằng hơn nhiều", ông Trump nói.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu khác, đặc biệt là Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron ngay lập tức bác bỏ thông tin của Tổng thống Mỹ đưa ra và cho hay không có sự gia tăng ngân sách nào trong khối NATO, trừ những thống nhất đã được công bố hôm 11.7.
"Có một văn bản đã được đăng tải ngày hôm qua. Nó rất chi tiết. Nó xác nhận rằng mục tiêu của khối là 2% vào năm 2024. Đó là tất cả", ông Macron nói, phủ nhận thông tin của Tổng thống Trump.
Theo một nguồn tin của Reuters thì ông Trump đã đưa ra yêu sách rằng các nước NATO phải "tăng chi tiêu vào tháng 1.2019 hoặc nước Mỹ sẽ đi một mình". Yêu sách này khó có thể đạt được do thời gian còn lại quá gấp để có thể điều chỉnh kế hoạch chi ngân sách của các nước châu Âu.
Ông Macron thì phủ nhận câu "đi một mình" của ông Trump là lời đe dọa Mỹ sẽ rời bỏ NATO nếu khối không theo ý của ông chủ Nhà Trắng.
Dù lời đe dọa rút khỏi NATO của ông Trump có là thật hay không, điều này cũng khó mà thực hiện được khi theo luật, một nước thành viên muốn rút khỏi khối quân sự này thì phải có được sự đồng thuận của 2/3 số nghị sĩ trong cơ quan lập pháp cao nhất của nước đó. Chưa hết, NATO là một thành phần cực kỳ quan trọng với quân đội Mỹ.