Khối tài sản của ông Trump đã giảm từ 3 tỷ USD xuống 2,3 tỷ USD sau khi ông trở thành tổng thống, theo Bloomberg Billionaires Index. Đại dịch đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, xây dựng các tòa nhà văn phòng, khách sạn và resort mang thương hiệu Trump. Ngoài ra, cuộc bạo động tại Điện Capitol đã khiến mối quan hệ của ông với các ngân hàng trở nên căng thẳng.
Trong 4 năm tới, đế chế Trump đối diện với khoản nợ 590 triệu USD sẽ đáo hạn. Trong số đó, hơn 50% khoản vay được ông Trump đảm bảo cá nhân và ngày càng có nhiều hoạt động kinh doanh làm ăn bết bát hơn. Dẫu vậy, nền kinh tế hồi phục sau đại dịch có thể giúp ông giàu có hơn và tận dụng khoản lỗ trong kinh doanh để giảm thuế.
Đây là phân khúc quan trọng nhất trong đế chế kinh doanh của ông, khi chiếm đến ¾ giá trị tài sản. Trong năm vừa qua, một số ngành tại Mỹ đã chịu ảnh hưởng nặng nề, khi các tòa nhà văn phòng, khu kinh doanh biến thành những "thị trấn ma".
Thậm chí, định giá mảng này trong tập đoàn Trump còn giảm 26% trong giai đoạn 2016-2021, xuống còn 1,7 tỷ USD. Bất động sản thương mại thậm chí còn đang gánh khoản nợ 256,8 triệu USD.
Hiện tại, hầu hết nhân viên văn phòng ở New York và San Francisco vẫn làm việc tại nhà. Đây là một tin tồi tệ đối với ông Trump, khi ông nắm giữ tới 30% cổ phần trong 2 tòa nhà cao tầng thuộc sở hữu của Vornado Realty Trust tại số 555 Phố California và 1290 Ave. of the Americas ở New York. Giá trị cổ phần mà ông Trump sở hữu chiếm khoảng 1/3 khối tài sản và hiện đã giảm 80 triệu USD kể từ năm 2019 xuống còn khoảng 685 triệu USD.
Trong khi đó, tòa tháp Art Deco ở Lower Manhattan cũng chứng kiến giá trị giảm từ 550 triệu USD xuống còn 277,7 triệu USD, một phần là do doanh thu lao dốc và thị trường có diễn biến kém. Một số đối tác đi thuê cho biết họ đang hoặc cân nhắc rời khỏi tòa nhà này. Công ty môi giới Cushman & Wakefield Plc đã cắt đứt mối quan hệ với ông Trump sau vụ bạo động tại Điện Capitol.
Trump Tower từng được coi là "viên ngọc quý" của ông Trump. Dẫu vậy, hoạt động kinh doanh căn hộ tại đây trở nên ế ẩm và sụt giá mạnh trong thời gian vừa qua.
Ông Trump sở hữu, quản lý hoặc cấp phép sử dụng thương hiệu cho khoảng hơn 10 khách sạn và resort. Thậm chí, ông bảo lãnh cho khoản nợ 330 triệu USD cho các doanh nghiệp này. Trong khi đó, một khách sạn ở Washington chiếm đến hơn ½ khoản vay trên, 1/3 là của 3 khu golf resort và phần còn lại đến từ một bất động sản ở Chicago. Deutsche Bank – ngân hàng cung cấp các khoản vay cho vị cựu tổng thống, đã tuyên bố ngừng làm ăn với ông sau sự kiện tại Điện Capitol.
Trump International Hotel Washington chứng kiến doanh thu giảm xuống còn 14,3 triệu USD vào năm ngoái, trong khi năm 2019 đã giảm 26,2 triệu USD. Tập đoàn Trump đã thực hiện thương vụ bán lại khách sạn này vào năm 2019 với định giá hơn 500 triệu USD. Tuy nhiên, 1 chuyên gia cho biết mức giá này là "không thực tế", trong khi nhà môi giới cũng "bỏ dở" thương vụ trên.
Khu nghỉ dưỡng có sân golf Trump National Doral Miami – có 643 phòng khách và 4 sân golf, từng là một trong những "con gà đẻ trứng vàng" đối với vị cựu Tổng thống. Giờ đây, resort này đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Lợi nhuận năm ngoái giảm hơn 57 triệu USD so với năm 2015 và 560 nhân viên tạm thời bị sa thải hoặc giảm lương.
Năm 1985, ông Trump đã mua một khu Marjorie Merriweather Post với 126 phòng ở Palm Beach (Florida) với giá khoảng 10 triệu USD. Sau đó, địa điểm này trở thành câu lạc bộ golf Mar-a-Largo nổi tiếng. Năm ngoái, khu resort này mang về 22,9 triệu USD, tăng từ mức 22,3 triệu USD vào năm 2015.
Golf là một trong số ít những "điểm sáng" cho đế chế của ông Trump khi đại dịch diễn ra. Dẫu vậy, 19 sân golf mà ông sở hữu hoặc quản lý đều có hoạt động khá kém, khi 2 sân ở Scotland là Trump Turnberry và Aberdeen liên tục thua lỗ.
Ngoài ra, sau sự kiện ở Điện Capitol, Hiệp hội Golf chuyên nghiệp Mỹ cũng không cho phép tổ chức giải đấu năm sau tại Trump National Golf Club Bedminster. Việc khai trương sân golf thứ 2 tại UAE - Trump World Golf Club Dubai, cũng bị hoãn trong nhiều năm.
Trong nhiều thập kỷ, ông Trump đã kiếm tiền từ việc cấp phép sử dụng thương hiệu cho các tài sản, sản phẩm của những công ty khác. Hầu hết lợi nhuận từ hợp đồng cấp phép thương hiệu ông tiết lộ trong chiến dịch tranh cử - 1 khách sạn ở Indonesia, khu căn hộ ở Connecticut, quần áo nam tại Macy’s, đã cạn kiệt. Thu nhập từ phí sử dụng thương hiệu của ông hiện khoảng 22,7 triệu USD .
Một số sản phẩm có hợp đồng từ lâu hiện vẫn đóng phí vài trăm USD cho ông mỗi tháng. Tuy nhiên, sau vụ bạo động, Trump Plaza ở Palm Beach đã bỏ phiếu ngừng sử dụng tên của ông và thành phố New York cũng hủy bỏ hợp đồng điều hành các sân trượt băng, sân golf đang mang thương hiệu Trump.
Cho đến nay, ông Trump đã có tên trên ít nhất 19 cuốn sách, đầu tiên là "The Art of the Deal" vào năm 1987. Theo Bloomberg, khó có thể ước tính số tiền ông kiếm được từ bản quyền sách, nhưng những con số cũng được hé lộ trong thời gian tại vị. Thu nhập từ mảng này đã giảm xuống ít nhất 119.341 USD vào năm ngoái, từ hơn 888.000 USD vào năm 2015.
Ngoài ra, thương vụ bán công ty tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) vào năm 2015 cũng mang về cho ông 49,3 triệu USD ở thời điểm đó. Các chương trình truyền hình thực tế và góp mặt trong một số bộ phim nổi tiếng như "Home Alone 2" hay "Zoolander" cũng là nguồn thu nhập lớn đối với ông Trump.
Tuy nhiên, Hiệp hội Diễn viên màn ảnh Mỹ (SAG) cân nhắc sẽ huỷ bỏ tư cách thành viên của ông Trump, nhưng ông lại chủ động rời đi trước khi quyết định trên được đưa ra. Năm ngoái, SAG đã trả cho ông khoảng 80.000 USD.