The Washington Post ngày 15-5 dẫn hai nguồn tin quan chức Mỹ cho biết trong buổi tiếp ngoại trưởng và đại sứ Nga tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ thông tin tình báo về chiến dịch đánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thông tin tình báo này được xếp vào hàng tối mật, do một đồng minh của Mỹ cung cấp.
Nguy cơ lộ nguồn tin
Tờ The Washington Post cho biết hành động của ông Trump có thể không vi phạm luật pháp vì tổng thống Mỹ có quyền công bố những bí mật của chính phủ. Nhưng các chuyên gia và các cựu quan chức an ninh Mỹ vẫn bị choáng. Họ cho rằng hành xử của ông Trump nếu có thật thì là thảm họa với tình báo Mỹ.
Theo ông Bill Leonard, cựu Giám đốc Văn phòng Giám sát thông tin an ninh Mỹ, hành động của ông Trump có thể gây hại khôn lường đến hoạt động tình báo. Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster nói rằng ông Trump không hề đề cập đến nguồn tin tình báo hay cách thức thu thập. Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại Nga vẫn dư sức lần theo chi tiết nội dung thông tin ông Trump cung cấp để xác định những điều trên. Bất hòa với các cơ quan tình báo đồng minh là điều khó tránh khỏi và sẽ để lại hậu quả nhãn tiền, ông Wayne White - quan chức tình báo cấp cao thời George W. Bush dự đoán.
Thượng nghị sĩ Dick Durbin đã gọi hành động của ông Trump là “nguy hiểm” và “khinh suất”. Có thể thấy rõ mức độ nghiêm trọng của vụ việc khi một số quan chức Nhà Trắng đã phải vội vã thông báo với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) về việc thông tin mật bị tiết lộ.
Dấu hỏi về năng lực
Vụ việc lần nữa đặt câu hỏi về năng lực xử lý thông tin nhạy cảm của ông Trump. Theo chuyên gia Steve Aftergood, thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, đây không phải vấn đề về pháp lý mà là về năng lực và nhận thức an ninh quốc gia của một vị tổng thống.
Đây cũng là một phép thử cho đảng Cộng hòa. Chỉ vài giờ sau bản tin của The Washington Post, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã yêu cầu ông Trump nhanh chóng giải thích. Nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại. Một số thành viên Cộng hòa không loại trừ khả năng ông Trump bị chính đảng của mình tẩy chay “nếu các vụ việc tương tự cứ tiếp tục xảy ra mỗi ngày”.
Còn theo Reuters, thời điểm ông Trump để lộ thông tin với phía Nga “đặc biệt không thích hợp”, ngay trước thềm cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, một đồng minh đánh IS, vào ngày 16-5. Sau đó, ông Trump còn có các chuyến công du tiếp xúc với một loạt đồng minh khác trong cuộc chiến chống IS là Saudi Arabia và NATO.
Tổng thống Mỹ giờ sẽ phải tìm cách đối phó với những bàn tán ở nước ngoài rằng ông là người thiếu năng lực “quản trị” Nhà Trắng. Đồng thời, ông cũng phải tìm cách trấn an các nước rằng bản thân ông và chính phủ Mỹ đủ khả năng giữ bí mật cho các đồng minh. Đây không chỉ là vấn đề bảo vệ danh tiếng của bản thân ông Trump mà còn cả uy tín của nước Mỹ.
Nhiều quan chức nói với Reuters rằng từ lâu đã cảm thấy lo ngại về việc báo cáo thông tin tối mật cho Tổng thống Trump. Lo ngại về khả năng xử lý các thông tin nhạy cảm của Trump trước đó đã bùng lên sau khi xuất hiện bức ảnh ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thảo luận vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngay tại bàn tiệc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) hồi tháng 2. Trong bức ảnh, một vài trợ lý đã phải dùng ánh sáng từ điện thoại để giúp ông Trump và ông Abe đọc tài liệu ngay trong buổi tiệc.
______________________________
Nếu đúng là sự thật, đây là cái tát thẳng vào mặt cộng đồng tình báo.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner