Hôm qua (giờ địa phương), Nhà Trắng quyết định trì hoãn lệnh đánh thuế nhôm, thép đối với EU, Canada và Mexico trong 30 ngày, tạm thời tháo gỡ “ngòi nổ” một cuộc chiến tranh thương mại dự kiến xảy ra vào ngày 1-5.
Đây là lần thứ hai ông Trum kéo dài thời gian áp dụng đánh thuế sau lần đầu tiên diễn ra hồi tháng 3-2018.
Thắng lợi ban đầu của ông Trump
Nhà Trắng đã đặt ra một bài toán có nhiều đáp số, đều có lợi cho Mỹ nhưng gây khó khăn cho đối phương, kể cả đồng minh hay đối tác thân cậy của cường quốc này.
Một là các nước, gồm cả EU, phải cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu nhôm, thép vào Mỹ. Hoặc hai là Mỹ sẽ đánh thuế nhập khẩu lên đến 25% đối với thép và 10% với nhôm. Ngoài ra, Mỹ còn yêu cầu một số quyền lợi khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ.
Với Trung Quốc (TQ), Mỹ có hai yêu cầu quan trọng chính là cắt giảm 100 tỉ USD so với mức trung bình 375 tỉ USD hằng năm mà Mỹ thâm hụt trong giao thương với TQ. Đồng thời TQ phải giới hạn lại kế hoạch 300 tỉ USD mà TQ dự tính tiến hành nhằm nâng cao công nghệ của nước này như trí tuệ nhân tạo, vật liệu bán dẫn…
Các chính sách đánh thuế của ông Trump với các nước nằm trong tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump cam kết từ chiến dịch tranh cử 2016: Bảo vệ nền sản xuất và nguồn lao động nội địa. Chính sách này nhắm vào nhiều quốc gia, không chỉ EU và TQ mà còn cả các quốc gia châu Á và Mỹ Latinh khác.
Nước cờ mạnh bạo của ông Trump, bất chấp các cảnh báo về chiến tranh thương mại xảy ra, đã đạt được những thắng lợi đầu tiên trong tuần này.
Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận miễn thuế cho Argentina, Úc và Brazil, đi đến thỏa thuận song phương cuối cùng vào tháng tới. Ông Trump còn có chiến thắng đầu tiên ở châu Á khi Hàn Quốc - một đồng minh của Mỹ đã chấp nhận giới hạn lượng nhôm, thép xuất khẩu ở mức 70% so với sản lượng xuất khẩu trung bình sang Mỹ trong ba năm qua; mở cửa rộng hơn cho một số nhà sản xuất ô tô Mỹ, đồng thời chịu thuế cao hơn với một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Không dễ áp đặt EU và Trung Quốc
Tuy nhiên, hai mục tiêu lớn nhất của Mỹ là EU và TQ chứ không phải Hàn Quốc. Sau chuyến thăm “chóng vánh” của Thủ tướng Đức Angela Merkel, theo sau là sự mềm dẻo hơn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các lãnh đạo EU tuyên bố sẵn sàng đáp trả lại bất kỳ lệnh đánh thuế nào làm phương hại đến doanh nghiệp EU.
Một quan chức EU giấu tên đã nói với Bloomberg rằng trong vòng 90 ngày kể từ sau lệnh áp thuế của Mỹ, EU sẽ tung ra gói thuế lên đến 3,5 tỉ USD như một “biểu tượng ban đầu” cho những gì Mỹ đã làm.
Một danh sách dài hàng chục trang các mặt hàng của Mỹ có thể bị EU “trả đũa tức thì” dường như đã khiến ông Trump phải suy nghĩ lại, quyết định dời lệnh áp thuế thêm 30 ngày cho EU (và cả Canada, Mexico) kể từ đầu tháng 5.
Trong khi đó lãnh đạo TQ từ đầu năm 2018 đã tuyên bố “TQ không sợ chiến tranh thương mại”.
EU cần được miễn bỏ vĩnh viễn tất cả thứ thuế mà Mỹ yêu cầu vì chúng không thể được dùng để Mỹ biện minh cho mục đích đảm bảo an ninh quốc gia. Tuyên bố của Ủy ban châu Âu |
Khác với EU, trả đũa bằng thuế không phải là công cụ đắc lực của Bắc Kinh bởi Mỹ nhập khẩu hàng TQ rất nhiều so với chiều ngược lại. Tuy nhiên, với cơ chế quản lý đặc thù, TQ có lợi thế hơn Mỹ trong kiểm soát rủi ro và thiệt hại với nền kinh tế, bao gồm đối phó với các vấn đề thiệt hại xuất khẩu, thất nghiệp. Việc Bắc Kinh lâu nay vẫn bảo hộ cho nền kinh tế dù bị quốc tế phản đối nhưng hiện nay đóng vai trò như chiếc “đệm giảm xóc” cho doanh nghiệp nội địa. Có ý kiến cho rằng việc áp đặt gói thuế lên đến 150 tỉ USD với hàng hóa TQ sẽ không tạo ra những hủy hoại ghê gớm với nền kinh tế TQ như ông Trump tưởng tượng.
Trái lại, với những phản ứng trả đũa tương tự từ TQ với doanh nghiệp Mỹ, dù yếu hơn về mức độ và quy mô, ông Trump sẽ đau đầu hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc TQ nhắm vào các mặt hàng nông nghiệp Mỹ - vốn rất có tầm ảnh hưởng trên bàn Quốc hội để “ăn miếng trả miếng” với ông Trump càng khiến Nhà Trắng phải vất vả trong các phiên điều trần trước thềm bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới.
Tình thế hiện nay cho thấy sự phụ thuộc mạnh mẽ về kinh tế với hai “ông lớn” đại diện hai lục địa Á, Âu và đặc thù tự do của nền chính trị Mỹ có thể tạo ra một “phản lực” mạnh mẽ đủ để cả Mỹ lẫn đối phương tổn thương nếu có chiến tranh thương mại.
Đó là lý do mà đến lúc này, khi nói về chiến tranh thương mại với Mỹ thì EU tuyên bố “kiên nhẫn nhưng trong tâm thế chuẩn bị phản đòn”; và TQ thì tự tin từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào về hai yêu cầu quan trọng mà Mỹ áp đặt cho lãnh đạo Bắc Kinh.
________________
Đỗ Thiện là nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) - ĐH KHXH&NV TP.HCM, đang học tập tại CHLB Đức.