Ông Trump để lại di sản gì cho kinh tế Mỹ sau 4 năm?

NGỌC TRANG |

Dù gây ra không ít tranh cãi, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tạo ra những dấu ấn đậm nét với nền kinh tế Mỹ sau 4 năm điều hành đất nước.

Trên tờ New York Times, mới đây Bruce Haines - người đã có hàng chục năm giữ cương vị giám đốc tại hãng thép US Steel - đã có bài xã luận phân tích về những thay đổi xung quanh nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Haines, những nhà máy thép từng "làm mưa làm gió" ở thành phố Bethlehem, bang Pennsylvania, giờ đây trở nên tiêu điều. Các khách sạn như Bethlehem cũng trở nên vắng vẻ. Sự ảm đạm do đại dịch Covid-19 gây ra bao trùm cả thành phố này. "Cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn", ông Haines mô tả.

Chiến lược chống chọi với đại dịch của tổng thống là lý do chủ yếu khiến nhiều cử tri bỏ phiếu chống lại ông. Tuy nhiên, theo ông Haines, người đã sống rất lâu tại Pennsylvania - một bang chủ chốt trong tranh cử tổng thống Mỹ, lại có quan điểm khác về thành tích kinh tế mà ông Trump đã tạo ra cho nước Mỹ.

Dịch Covid-19 đã gây ra sự đảo lộn lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Virus này đã đạp đổ di sản kinh tế khổng lồ mà ông Trump dự định lấy làm "vũ khí" cho chiến dịch tái tranh cử. Thay vì tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, mức độ đáng tin cậy lớn và thu nhập cá nhân tăng trên diện rộng, ông Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên với tỷ lệ nghèo tăng cao, tăng trưởng giảm sút và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với thời điểm ông nhậm chức.

Tuy nhiên, bất chấp việc trải qua một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ, lĩnh vực mà ông Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất vẫn là kinh tế. Điều này cho thấy năng lực của một doanh nhân sành sỏi và một nhà đàm phán kiên định. Và đây cũng là bằng chứng cho thấy di sản kinh tế lâu dài nhất mà ông Trump để lại có thể không nằm ở bất kỳ bảng thống kê nào mà là ở cách ông xoay chuyển quan điểm của nước Mỹ về nền kinh tế.

"VỊ CỨU TINH CHO NGÀNH SẢN XUẤT MỸ"

“Tôi đã có 35 năm hoạt động trong lĩnh vực thép và tôi có thể kể ngay những thỏa thuận thương mại bất công được thực hiện bởi cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa”, ông Haines chia sẻ. Ông cho rằng cả hai đảng này đều “bỏ rơi” ngành sản xuất - “cái nôi” tạo ra việc làm ổn định cho tầng lớp trung lưu. “Ông Trump là vị cứu tinh của ngành công nghiệp Mỹ. Ông ấy đã nhìn nhận ngành này. Ông ấy là người duy nhất làm điều đó”.

Ông Trump để lại di sản gì cho kinh tế Mỹ sau 4 năm? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước các công nhân ngành công nghiệp ôtô tại Ypsilanti, bang Michigan vào tháng 3/2017, khẳng định ưu tiên của ông là tạo điều kiện thúc đẩy ngành sản xuất và giảm tình trạng "chảy máu" việc làm ra nước ngoài - Ảnh: Getty Images.

Còn đối với Charles Jefferson, chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Montage Mountain gần Scranton, bang Pennsylvania, những thay đổi trong nhiệm kỳ của ông Trump quá rõ ràng.

"5 năm trước, chúng ta không có những quan điểm như vậy", ông nói. "Trước đây, việc di cư sản xuất ra khỏi nước Mỹ được xem là sự đã rồi và chúng ta phải chấp nhận".

Lớn lên trong một gia đình thuộc giai cấp lao động ở tại North Philadelphia, ông Jefferson, 55 tuổi, nhớ lại rằng nhiều nhà lãnh đạo đảng Dân chủ từng nói rằng ngành sản xuất sa sút, việc làm ngành sản xuất mất đi là điều không thể tránh khỏi trong thế giới toàn cầu hóa.

Ngành sản xuất Mỹ đã phục hồi sau khi chạm đáy trong thời kỳ Đại Suy thoái nhưng bắt đầu suy giảm trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Jefferson từng bầu cho ông Obama nhưng đã quyết định ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Ông dự định sẽ làm vậy trong cuộc bầu cử 3/11 tới đây.

Dù ngành sản xuất chỉ chiếm 11% GDP của Mỹ và sử dụng chưa tới 9% lực lượng lao động, ông Trump vẫn đặc biệt ủng hộ ngành này.

Sau nhiều thập kỷ ủng hộ các hiệp định thương mại, ông Biden giờ đây cũng tranh cử với chương trình "sản xuất tại Mỹ", trong đó cam kết "dùng quyền lực toàn diện của chính phủ liên bang để thúc đẩy sức mạnh công nghiệp và công nghệ của Mỹ". Ứng viên đảng Dân chủ cũng cam kết dùng ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp giữ hoặc tạo việc làm trên đất Mỹ.

Hiện tại, kể cả những cử tri không đặc biệt thích ông Trump cũng công nhận những đóng góp của ông trong việc khơi dậy nguồn năng lượng của kinh tế Mỹ.

Ông Walter Dealtrey Jr., chủ một công ty kinh doanh dịch vụ lốp xe ở Bethlehem cho biết dù ông từng bầu cho ông Trump vào năm 2016, nhưng chưa bao giờ thích tổng thống. Một năm trước, ông từng cân nhắc ủng hộ một ứng viên đảng Dân chủ ôn hòa như ông Biden hoặc Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar. Tuy nhiên, khi ngày bầu cử chỉ còn một tuần nữa, ông quyết định sẽ bỏ phiếu cho ông Trump một lần nữa. Ông thích quan điểm tập trung vào ngành sản xuất và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư trong nước của Tổng thống Trump.

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ NHẬP CƯ, TOÀN CẦU HÓA VÀ NỢ CÔNG

Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Trump đã thay đổi quan điểm của đảng Cộng hòa về các vấn đề chủ chốt như nhập cư, toàn cầu hóa và nợ công. Ông đã đưa đảng Cộng hòa từ một đảng ủng hộ tự do thương mại, giảm chi tiêu công, nợ công, trở thành đảng sẵn sàng khai chiến thương mại với cả các nước đồng minh, đẩy thâm hụt ngân sách thời bình lên cao kỷ lục và giữ nguyên các chương trình an sinh xã hội quan trọng.

Ông Trump để lại di sản gì cho kinh tế Mỹ sau 4 năm? - Ảnh 3.

Ông Trump châm ngòi cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018 - Ảnh: Reuters.

"Ông ấy đã hoàn toàn khiến đảng Cộng hòa từ bỏ ý định giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và chăm sóc y tế", nhà kinh tế Michael R. Strain của Viện Doanh nghiệp Mỹ bình luận.

Về vấn đề nhập cư, ông Trump đã thay đổi cục diện chính trị theo cách khác biệt. Ông cho rằng người nhập cư “cướp” việc làm của người Mỹ hoặc phạm pháp, như phát biểu của ông trong cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ Joe Biden tối 22/10. Qua đó, ông Trump tập hợp những thành phần có quan điểm cứng rắn ở cả hai đảng.

Trước những ảnh hưởng của ông Trump, đảng Dân chủ cũng thay đổi. Ứng viên Joe Biden - cựu phó tổng thống Mỹ đã tự định vị bản thân là một người đấu tranh cho người nhập cư và cam kết đảo ngược các chính sách hạn chế gay gắt nhất của chính quyền Trump. Ông Biden cũng có quan điểm mềm mỏng về lĩnh vực dầu khí với cam kết không cấm khoan dầu trên đất tư nhân.

Tuy vậy, những thay đổi trong quan điểm của đảng Dân chủ với vấn đề thương mại là quan trọng nhất. Cả ông Biden và các nhà lãnh đạo đảng dân chủ - những người từng thúc đẩy lợi ích của toàn cầu hóa, giờ đây tỏ ra phòng thủ hơn trước các vấn đề như công nghiệp hay cạnh tranh quốc tế. Đảng Dân chủ phản ứng bằng cách quay sang ủng hộ các quan điểm bảo hộ kinh tế mà trước đó họ từng bác bỏ.

Bất kể ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, các chính sách kinh tế của Mỹ có thể sẽ tiếp tục tập trung vào việc làm cho người dân và các ngành công nghiệp bị đe dọa bởi cạnh tranh từ Trung Quốc và các nước khác. Bên cạnh đó, nỗi lo về thâm hụt ngân sách do kích thích kinh tế cũng không còn quá quan trọng.

ĐẢO NGƯỢC QUAN ĐIỂM CỐ HỮU VỀ THÂM HỤT NGÂN SÁCH

Theo New York Times, dấu ấn đậm nét nhất trong chính sách kinh tế của Tổng thống Trump không nằm ở những lĩnh vực mà ông nhắm tới, mà ở chỗ lật ngược hòa toàn quan điểm cố hữu về thâm hụt ngân sách chính phủ.

Với việc đồng thời theo đuổi chính sách cắt giảm thuế mạnh cho các doanh nghiệp và cá nhân giàu có, tăng chi tiêu quân sự và giữ nguyên ngân sách cho y tế, an sinh xã hội, ông Trump đã gây ra thâm hụt chưa từng có lên tới hàng nghìn tỷ USD. Các gói cứu trợ trong đại dịch càng làm thâm hụt thêm phình to. Về lý thuyết, điều này sẽ khiến lãi suất và lạm phát tăng đột biến và gây sức ép lên đầu tư tư nhân. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Ông Trump để lại di sản gì cho kinh tế Mỹ sau 4 năm? - Ảnh 5.

Những cảnh báo về hậu quả của nợ công của Mỹ giờ đây không còn quá gay gắt như trước nhiệm kỳ của Tổng thống Trump - Ảnh: Reuters.

“Ông Trump đã nỗ lực rất nhiều để hợp pháp hóa các khoản thâm hụt ngân sách", Jason Furman, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời ông Obama, nhận xét. Ông Furman là một trong những nhà kinh tế từng kêu gọi chính phủ Mỹ gạt bỏ nỗi ám ảnh về nợ công. Họ cho rằng việc vay tiền để đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và tạo việc làm là hoàn toàn đáng làm, nhất là trong kỷ nguyên lãi suất thấp như hiện nay.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nỗi lo thâm hụt hoàn toàn biến mất. Cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ chắc chắn sẽ phản đối những đề xuất gây thêm thâm hụt ngân sách của nhau. Điểm khác là giờ đây những cảnh báo về hậu quả của nợ công không còn quá gay gắt như trước nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Trở lại với ông Dealtrey, chủ hãng dịch vụ lốp xe ở Bethlehem, ông cho biết mình từng rất lo lắng về thâm hụt ngân sách quốc gia. “Tôi từng lo rằng các con và cháu mình sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó. Nhưng giờ đây chẳng ai còn quan tâm nữa”, ông nói. “Nước Mỹ có những vấn đề lớn hơn cần quan tâm trong lúc này”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại