Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ

Diệp Thảo |

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris thực sự là một trận so găng quyết liệt, nơi cả hai ứng viên không ngừng tìm cách định hình lại tương lai nước Mỹ theo những hướng đi riêng. Chính những hướng đi này đã tạo nên hai mảng màu đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ, đặt cử tri vào thế khó trong việc đưa ra lựa chọn.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 1.

Theo TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Chính trị và An ninh quốc tế thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, không khó để nhìn ra sự khác biệt giữa hai ứng viên Trump-Harris cũng như tư tưởng chính trị mà họ đại diện. Đối với ứng viên Cộng hòa Donald Trump, sức mạnh của ông nằm ở kinh nghiệm điều hành sôi nổi trong vai trò Tổng thống trước đây, tạo nên hình ảnh mạnh mẽ của một nhà lãnh đạo “vì nước Mỹ”. Ông Trump được nhớ đến như người thúc đẩy các chính sách ưu tiên nội địa, từ bảo hộ kinh tế đến cải cách thuế, với hy vọng tái lập sự vững mạnh cho nền sản xuất trong nước.

Song, sự táo bạo và thẳng thắn trong phong cách giao tiếp của cựu Tổng thống cũng là một con dao hai lưỡi. Trong khi nhiều cử tri đề cao tính quyết đoán trong đường lối tranh cử này, cũng không ít người lại bị đẩy xa bởi chính những phát ngôn gây tranh cãi của ông về nhập cư, quyền của phụ nữ và người thiểu số. Chính vì thế, ông Trump tập trung vào một nhóm cử tri quen thuộc: tầng lớp lao động da trắng, người dân nông thôn và cử tri các bang miền Nam đang xem cựu Tổng thống là một biểu tượng của chính sách bảo hộ và những giá trị bảo thủ.

Ngoài ra, tuổi tác cũng có thể là điểm yếu của ông Trump khi nhiều cử tri quan tâm đến sức khỏe và khả năng xử lý căng thẳng của các ứng viên lớn tuổi. Tuy nhiên, phong cách tự tin và sự dẻo dai xuyên suốt chiến dịch có thể giúp ông giảm thiểu tác động của yếu tố này trong mắt công chúng.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 2.

Trong khi đó, bà Kamala Harris đem đến một hình ảnh hoàn toàn đối lập. Là một phụ nữ da màu với nền tảng pháp lý và chính trị vững chắc, ứng viên đại diện đảng Dân chủ thu hút nhóm cử tri trẻ tuổi, cộng đồng thiểu số, và đặc biệt là phụ nữ – những người tìm thấy ở bà một tiếng nói mạnh mẽ về công bằng xã hội và quyền bình đẳng. Với kinh nghiệm làm việc tại Nhà Trắng với tư cách một Phó Tổng thống, bà Harris không chỉ tạo dựng hình ảnh là một người lãnh đạo linh hoạt, mà còn khéo léo dẫn dắt những chính sách tiến bộ về cải cách công lý, giáo dục và y tế – những vấn đề mà giới trẻ và tầng lớp trung lưu tại các khu đô thị dành nhiều quan tâm.

Tuy nhiên, ứng viên dân chủ này cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là từ các cử tri trung dung và bảo thủ, những người cho rằng lập trường tiến bộ của bà có thể dẫn đến những biến đổi quá sâu rộng trong xã hội Mỹ.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 3.

Ông cũng nhấn mạnh, sự lựa chọn này không chỉ khiến Nhà Trắng đổi chủ mà còn mang mang ý nghĩa quyết định về tương lai mà người dân muốn xây dựng cho nước Mỹ trong bối cảnh những thay đổi trên thế giới và cả xã hội Mỹ đang diễn ra từng ngày.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 4.

Những “bất ngờ tháng 10” tiếp tục bủa vây đường đua Tổng thống, khiến hai ứng viên phải liên tục ứng biến trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử. Tính đến thời điểm này, sự tàn phá của bão Helene và Milton tại các bang chiến địa như Georgia và North Carolina, cùng với tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông giữa Israel và các nhóm vũ trang tại Lebanon và Iran có thể được coi “bất ngờ tháng 10” kép mà ông Trump và bà Harris cùng phải đối mặt.

Chiến thuật của cựu Tổng thống tiếp tục dựa vào sức hút của các cuộc rally (tập hợp cử tri) tại các bang dao động, trong đó có các bang chịu thiệt hãi từ hai siêu bão. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào các cuộc gặp gỡ trực tiếp, nơi phong cách ứng khẩu tự nhiên trở thành điểm nhấn, giúp ông thu hút và tạo động lực cho cử tri truyền thống tại các bang như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Tại đây, cựu Tổng thống cũng tận dụng các sự kiện tranh cử để chỉ trích phản ứng của bà Harris và chính quyền đương nhiệm trước thiên tai và xoáy sâu vào các cáo buộc rằng chính sách ngoại giao yếu kém của đảng Dân chủ làm gia tăng xung đột ở Trung Đông. Bằng cách tập trung vào việc xuất hiện nhiều hơn trước công chúng, bao gồm cả việc khoác tạp dề đứng bếp tại cửa hàng McDonalds’, ông Trump nỗ lực tái khẳng định bản thân là ứng cử viên “gần gũi với dân” và “đặt nước Mỹ lên trên hết” – chiến lược quen thuộc nhưng hiệu quả để duy trì sự trung thành từ các cử tri đã ủng hộ ông từ 2016.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 5.

Ngược lại, bà Kamala Harris áp dụng một chiến thuật tranh cử nhắm vào những nền tảng truyền thông mới để mở rộng phạm vi cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ và phụ nữ. Xuất hiện trên các chương trình và podcast có tầm ảnh hưởng đối với giới trẻ, như “Call Her Daddy” và một số chương trình khác có lượng khán giả nữ lớn, bà Harris khẳng định chính quyền của mình sẽ luôn sẵn sàng giải quyết các cuộc khủng hoảng và cung cấp các nguồn lực liên bang cần thiết để hỗ trợ người dân.

TS. Nghiêm Tuấn Hùng lập luận, đây là sự thay đổi đáng kể trong chiến lược tranh cử của bà Harris, khi Phó Tổng thống chuyển từ phong cách phát biểu rập khuôn theo các tài liệu được chuẩn bị sẵn trong các cuộc phỏng vấn sang một hình ảnh chính trị gia gần gũi và linh hoạt hơn trước công chúng. Chiến thuật này không chỉ giúp thu hút các cử tri quan tâm đến các vấn đề như quyền phụ nữ và giáo dục, mà còn tăng cường sự hiện diện truyền thông của bà trong một số nhóm cử tri chưa quyết định.

Ông Nghiêm Tuấn Hùng cũng không phủ nhận những “bất ngờ tháng 10” có thể mang lại cơ hội củng cố sự ủng hộ từ các cử tri trung thành cho hai ứng viên lưỡng đảng, trong bối cảnh kỳ bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở nhiều bang. Trong khi ông Trump vẫn tiếp tục với phong cách lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán; bà Harris lại tìm cách duy trì sự cân bằng về mức độ ảnh hưởng tới các nhóm cử tri đa dạng của đảng Dân chủ.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 6.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 7.

Để giành được nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, bà Harris cần giữ vững các bang truyền thống mà đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế như California và New York, sau đó nỗ lực “nhuộm xanh” tại các bang chiến địa quan trọng như Pennsylvania và Michigan. Những lá phiếu từ ít nhất một trong số các chiến địa như Arizona hoặc Georgia sẽ đưa bà Harris tiến thẳng vào phòng Bầu dục trong năm tới. Kịch bản này là khả thi nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri da màu, phụ nữ và những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt ở các thành phố lớn nơi đảng Dân chủ thường có nhiều ưu thế.

Trước mắt, ứng viên đại diện đảng Cộng hòa cần tập trung vào các bang nông nghiệp và những bang bảo thủ truyền thống như Ohio và Texas, nơi ông đã giành được nhiều ủng hộ trong quá khứ. Để đảm bảo 270 phiếu, ông Trump cần chiến thắng ở Florida và Pennsylvania, hai bang từng đứng về phía “đảng đỏ” vào năm 2016. Trong trường hợp có thể duy trì sự ủng hộ ở những bang miền Nam và Trung Tây như Georgia, Wisconsin hoặc Michigan, cơ hội chiến thắng của cựu Tổng thống sẽ gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, các bang này cũng có sự cạnh tranh khốc liệt từ phía bà Harris.

Theo TS. Nghiêm Tuấn Hùng, so với các cuộc bầu cử trước đây, cuộc đua năm 2024 không chỉ căng thẳng về mặt chính trị mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bên ngoài như xung đột quốc tế và thiên tai. Cả hai ứng viên phải đối mặt với những yếu tố bất ngờ từ những sự kiện như bão Helene hay căng thẳng ở Trung Đông, điều chưa từng có tiền lệ rõ rệt trong các cuộc bầu cử trước. Bất cứ ứng viên nào cũng có thể đảo ngược tình thế nếu đạt được những thành công trong các bang chiến địa quan trọng vào phút chót. Các yếu tố bất ngờ từ cử tri chưa quyết định và cử tri bỏ phiếu muộn cũng có thể gây ảnh hưởng lớn, khiến kết quá cuộc đua rất khó đoán định.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 8.

Hiện các cuộc thăm dò không cho thấy những khoảng cách rộng về tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên và biên độ sai số 5% thường xuất hiện trong kết quả khảo sát gần đây vẫn chưa thể nói lên điều gì về cái tên sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Điều này làm cho đường đua vào Nhà Trắng năm nay càng thêm hấp dẫn, khiến các cử tri và quan sát viên toàn cầu đều mong đợi từng diễn biến cuối cùng.

Ông Trump - bà Harris: Hai sắc thái đối lập trong bức tranh bầu cử Mỹ - Ảnh 9.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại