Cái tên Black Myth: Wukong (Hắc Thần Thoại: Ngộ Không) đang nổi tiếng trong thời gian qua không chỉ với cộng đồng game thủ mà còn với giới truyền thông.
Chính điều này đã khiến Tencent, tập đoàn hậu thuẫn cho hãng Game Science phát triển trò chơi này được hưởng lợi.
Như một hệ quả tất yếu, ông chủ Tencent là Pony Ma cũng giành lại được ngôi giàu nhất Trung Quốc từ tay tỷ phú Zhong Shanshan, vốn là người sở hữu đế chế bán đồ uống Nongfu Spring.
Cụ thể, việc cổ phiếu Tencent tăng còn Nongfu giảm trong phiên 16/9 vừa qua đã khiến tổng tài sản của Pony Ma đạt 44 tỷ USD, vượt qua tỷ phú Zhong Shanshan.
Sự hồi sinh của ngành trò chơi điện tử, nhất là bom tấn "Black Myth: Wukong" đã khiến Tencent có cú hồi sinh chưa từng thấy kể từ hậu đại dịch Covid-19. Xin được nhắc lại rằng Trung Quốc hiện đang là thị trường game di động lớn nhất thế giới.
Sau khi ra mắt vào ngày 20/8/2024, trò chơi Black Myth: Wukong đã nhanh chóng gặt hái được thành công khi bán được 10 triệu bản chỉ trong 3 ngày và có đến 3 triệu người chơi cùng lúc. Đây là những con số cực kỳ ấn tượng trong ngành game thế giới.
Dù thành công như vậy nhưng tài sản của Pony Ma hiện vẫn thấp hơn 40% so với thời đỉnh cao tháng 1/2021. Trên thực tế ông chủ Tencent đã từng là người giàu nhất Trung Quốc vào tháng 6/2020 nhưng đánh mất danh hiệu này sau đó vào tay Zhong Shanshan. Phần lớn tài sản của Pony Ma gắn liền với cổ phiếu Tencent.
Tỷ phú Pony Ma thành lập Tencent vào năm 1998 với số tiền 500.000 Nhân dân tệ, tương đương 70.450 USD từ một dự án khởi nghiệp trước đó. Con số này tương đương với mức lương trung bình 62 năm của một người lao động bình dân Trung Quốc thời đó.
Bản thân ông Pony Ma từng tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Thâm Quyến, sau đó trở thành kỹ sư phần mềm trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp.
Về Tencent, đây là một trong những nhà phát hành game lớn nhất thế giới trước khi Trung Quốc siết chặt quản lý ngành này. Vào thời kỳ đỉnh cao, Tencent là tập đoàn có tổng vốn hóa lớn thứ 5 toàn cầu với hàng loạt các khoản đầu tư vào tesla, Snap, Spotify...
Sau khi Bắc Kinh siết chặt quản lý ngành công nghệ, Tencent đã phải giảm quy mô bằng cách thoái vốn khỏi một số hãng thương mại điện tử và trò chơi.
Tuy nhiên từ cuối năm 2022, Trung Quốc đã có những tín hiệu nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại, qua đó tạo điều kiện cho Tencent trỗi dậy.