Theo số liệu thời gian thực của Forbes, tài sản ông Trần Đình Long sáng ngày 10/11 đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD, hiện chỉ còn 963,1 triệu USD.
Ông Trần Đình Long rời danh sách tỷ phú trong bối cảnh cổ phiếu Hòa Phát liên tục bị bán tháo trên sàn chứng khoán. Trong phiên giao dịch sáng 10/11, cổ phiếu HPG đang giảm khoảng 5%, giao dịch ở quanh mức 12.350 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa Hòa Phát là gần 72.000 tỷ đồng và giá trị tài sản của ông Long trên sàn chứng khoán là khoảng 18.700 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên tài sản ông Long giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Trước kia, ông Long vào danh sách tỷ phú hồi tháng 3/2018, nhưng đến tháng 12/2018 bị loại khỏi danh sách, cũng do giá cổ phiếu HPG giảm sâu. Lúc bấy giờ, triển vọng mảng tôn mạ và ống thép không khả quan như dự kiến. Ngoài ra, tăng trưởng ống thép có dấu hiệu chậm lại.
Thời điểm hiện tại, tình hình của Hòa Phát còn khó khăn hơn khi công ty vừa báo lỗ gần 1.800 tỷ đồng quý 3/2022, và vừa thông báo phải xem xét đóng 4 lò cao để giảm sản lượng. SSI Research dự báo Hòa Phát có thể lỗ tiếp 270 tỷ đồng quý 4/2022.
Như vậy, Việt Nam chỉ còn 6 tỷ phú USD, gồm ông Phạm Nhật Vượng (3,9 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (1,4 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD) và ông Bùi Thành Nhơn (1,1 tỷ USD).
Từ đầu năm đến nay, tổng tài sản của 7 tỷ phú Việt Nam đã giảm 9,2 tỷ USD, từ 21,2 tỷ USD xuống chỉ còn dưới 12 tỷ USD.
Đáng chú ý, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn cũng đang giảm nhanh chóng khi cổ phiếu Novaland liên tục giảm sản. Nếu NVL tiếp tục bị bán tháo, ông Bùi Thành Nhơn có thể cũng sẽ rớt khỏi danh sách tỷ phú trong ít tuần tới.