0Sự kiện ông Lê Anh Tú (còn gọi là Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực từ hôm 3/6 đến nay đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Trong cuộc trao đổi với VTV được đăng tải hôm 8/6, ông Thích Minh Tuệ đã lần đầu tiên chia sẻ về cuộc sống sau 1 tuần dừng khất thực. Theo đó, ông cho biết hiện tinh thần và sức khỏe của ông vẫn tốt, vẫn đảm bảo học theo lời Phật dạy.
Cũng trong phóng sự của VTV đăng tải hôm nay, ngày 9/6, ông Thích Minh Tuệ tiếp tục nói về kế hoạch tu tập của mình trong tương lai. Theo đó, ông MInh Tuệ cho rằng dù vẫn mong muốn được bộ hành nhưng nếu người dân vẫn tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông thì ông tiếp tục địa điểm để an trú.
"Mình ở một trú xứ nào đấy, núi nào đấy, hang đá nào đấy, mình xuống gần làng mình khất thực xong mình tu hành cho mình thôi. Có trú xứ an ổn điều kiện như thế thì mình cần học tập, người tu họ cũng có thời gian an ổn, khi nào cần thiết thì mình mới bộ hành nhưng bộ hành yên tĩnh giống như 6 năm trước không có ai đi theo", ông Minh Tuệ nói.
Theo dự kiến của ông Thích Minh Tuệ, khi đi hết tất cả các địa phương trên cả nước thì ông sẽ dừng chân ở một khu vực nào đấy. Khi nào thuận lợi, vài năm sau ông mới đi một lần chứ không phải lúc nào cũng bộ hành.
Trước đó, ngày 3/6, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, ông Lê Anh Tú (còn gọi là Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. Thông tin ông Minh Tuệ dừng đi bộ khất thực đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người tiếp tục tìm ông, gia đình ông để quay phim, chụp ảnh, đăng tải các video với mục đích câu view, câu like.
Ngày 16/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đã ký văn bản số 151 thông báo về việc người được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo.
Theo thông báo, người này tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Thông báo nêu, trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Tiktok, Facebook, Youtube, Instagram... xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.
Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến giáo hội.