Tuy nhiên, hãng thông tấn Trung Quốc không tiết lộ thêm bất cứ thông tin gì về lịch trình làm việc chuyến đi sắp tới của Chủ tịch Tập.
Giới quan sát đang rất kỳ vọng vào một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập trong tuần tới để tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ-Trung.
Trước đó, hôm 18/6, Tổng thống Trump cho biết ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tham gia vào cuộc họp mở rộng tại hội nghị G-20 ở Nhật Bản.
"Các nhóm riêng của chúng tôi sẽ tổ chức trao đổi trước cuộc gặp", ông Trump nói thêm.
Tuy nhiên sau tuyên bố của ông Trump, Trung Quốc không đưa ra bình luận. Thậm chí thông tin của Tân Hoa Xã đăng tải mới đây cũng không đề cập gì tới cuộc gặp với Tổng thống Trump.
Theo SCMP, hội nghị G-20 vào ngày 28-29/6 tới có thể sẽ là một trong những cơ hội cuối cùng để lãnh đạo Mỹ-Trung cùng ngồi xuống tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thuế quan trước khi nó leo thang tới mức không thể cứu vãn.
Căng thẳng với Mỹ cũng đang đặt Chủ tịch Tập Cận Bình vào tình thế khó khăn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền. Nếu nhún nhường trước đe dọa của Tổng thống Trump, ông sẽ phải đối mặt với các chỉ trích từ quê nhà. Bắc Kinh cũng nhiều lần khẳng định sẽ không bị bắt nạt hoặc gây áp lực khi đàm phán, vì vậy cái gật đầu chịu gặp mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc được nhìn nhận như trao chiến thắng vào tay ông Trump.
Ông John Quelch, Trưởng khoa Kinh doanh thuộc Đại học Miami cho rằng, một cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump là rất cần thiết ngay cả khi nó chỉ mang tính biểu tượng.
"Thị trường chứng khoán toàn cầu muốn đảm bảo rằng, đường dây liên lạc của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang mở ở mức cao nhất", ông Quelch nhấn mạnh.