Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra từ ngày 11 đến 13/10/2020 đã thành công tốt đẹp. Kết quả đó có sự đóng góp công sức rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô.
Ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ về thành công của Đại hội:
- Ông nhận định thế nào về thành công của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025)?
Ông Phạm Quang Nghị: Mọi người đều vui mừng về thành công của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa mới diễn ra.
Công tác chuẩn bị văn kiện của Đại hội được chuẩn bị hết sức công phu, tập hợp những đóng góp trí tuệ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, các bộ ngành Trung ương, cũng như các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, Quốc hội...
Đây là văn kiện có chất lượng tốt, vừa đánh giá đúng thành tựu và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội, vừa đề ra được phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và những khâu đột phá của nhiệm kỳ sắp tới.
Do đó, xét về mặt chuẩn bị văn kiện thì tôi cho rằng chúng ta đã làm rất tốt.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (Ảnh: Thanh niên)
Nội dung thứ hai là về công tác nhân sự. Qua Đại hội lần này đã bầu ra những đồng chí lãnh đạo mới tương đối trẻ thay thế lớp cán bộ hết tuổi công tác, từ Bí thư, Chủ tịch, các cán bộ chủ chốt, thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.
Thành phần của đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ này so với những nhiệm kỳ gần đây là trẻ hơn. Trừ 2 đồng chí từ Trung ương về, còn thì đều trưởng thành tại chỗ. Đây là đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, am hiểu tình hình của Thành phố. Đây là thuận lợi rất lớn để các đồng chí nắm bắt công việc và phát huy được năng lực của mình trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội luôn thu hút sự chú ý rộng rãi, sự kỳ vọng không chỉ của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội mà còn thu hút sự quan tâm, chú ý của Trung ương, của các địa phương trong cả nước bởi Hà Nội là Thủ đô. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với Hà Nội nói chung, đối với đội ngũ cán bộ Thành phố nói riêng.
-Ông đánh giá thế nào về Văn kiện của Đại hội?
Ông Phạm Quang Nghị: Về đại thể nội dung Văn kiện Đại hội lần này cũng có những yêu cầu, kết cấu như những lần chuẩn bị trước.
Tuy nhiên việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội lần này được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn, cả ở cấp Thành phố và cả ở cấp Trung ương. Do đó, chất lượng Văn kiện rất tốt.
-Trên chặng đường phát triển sắp tới, chắc chắn TP Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề mới nảy sinh, những thách thức chưa lường trước. Chính vì vậy, để Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII sớm được triển khai trong thực tiễn đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Ông Phạm Quang Nghị: Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội trong suốt nhiệm kỳ 5 năm tới đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Một Văn kiện Đại hội dù chuẩn bị tốt đến đâu cũng không thể hình dung hay dự báo được một cách đầy đủ, toàn diện, chính xác về tình hình 5 năm sắp tới, nhất là trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay.
Ví như năm 2020, trên thế giới không ai có thể dự báo trước một cách tương đối chứ đừng nói là chính xác về tình hình dịch bệnh, thiên tai. Lại càng không ai có thể dự báo được mối quan hệ cạnh tranh của các nước lớn tới đây sẽ như thế nào, chúng ta làm sao có thể suy nghĩ thay họ được.
Do vậy, Đảng bộ TP Hà Nội một mặt cần phải bám sát vào những mục tiêu, nhiệm vụ của Văn kiện Đại hội, vừa phải bám sát tình hình thực tiễn. Nếu phải điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thì cũng là bình thường.
Đòi hỏi quan trọng tiếp theo là đội ngũ cán bộ phải thực sự năng động, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt tình hình mới. Trong lãnh đạo, điều hành có việc phải thảo luận, bàn bạc... phải chờ chỉ thị, phải xin ý kiến cấp trên.
Nhưng nhiều việc vẫn phải tự mình nắm bắt, phân tích và chủ động giải quyết. Hoặc có thể nói ngược lại, chỉ những việc tự mình không giải quyết được thì mới đưa ra bàn bạc, thảo luận. Từng vị trí công tác, từng người, từng sở ngành, quận, huyện... đều phải có sự chủ động, năng động, dám chịu trách nhiệm.
Thực tiễn là thước đo của chân lý. Tình hình thực tế luôn vận động, biến động, đổi mới không ngừng. Do đó, chúng ta không nên chỉ bám vào từng câu, từng chữ trong Văn kiện một cách máy móc. Phải xem kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội là những sản phẩm, thành tựu trên thực tế - với cách làm, cách nghĩ nào đem lại lợi ích nhiều hơn, nhanh hơn cho nhân dân và đất nước.
Nếu thay đổi chủ trương, biện pháp, cách làm để đạt kết quả tốt hơn thì cũng phải thay đổi nhằm đáp ứng được nhu cầu mong đợi của người dân.
-Xin cảm ơn ông!