Ngày 26/7, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại của VNCB hơn 6.126 tỷ đồng.
Khoản tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn VNCB là một trong số các tình tiết được tranh luận gay gắt từ phiên xét xử hồi trước Tết. Khi đó, đại diện ngân hàng CB cho rằng số tiền này còn treo tại ngân hàng. Nhưng trong kết luận điều tra bổ sung nêu 4.500 tỷ đồng không thể phân tách được.
Phan Thành Mai đề nghị tòa xem xét nguồn tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn cho VNCB đi về đâu.
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đồng tình với quan điểm của VKSND Tối cao trong Công văn số 15 về việc bổ sung tài liệu, đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ BIDV, TPBank, Sacombank để trả lại ngân hàng Xây dựng (CB Bank, VNCB cũ).
Ông Mai cho rằng 4.500 tỷ đồng là vật chứng tồn đọng tại ngân hàng. Việc văn bản số 15 của VKS công bố không thể phân tách 4.500 tỷ đồng nhưng sau đó lại nói không còn khoản tiền này trong ngân hàng nữa là mâu thuẫn.
"Đây là giai đoạn cuối cùng của đại án VNCB nên nếu đã gọi là thu hồi nguồn tiền bất hợp pháp thì HĐXX nên thu hồi những khoản tiền được đề cập ở giai đoạn 1 nhưng chưa được xét, hoặc bản án giai đoạn 1 ghi nhận sẽ xem xét trong giai đoạn 2 để khắc phục hậu quả trong đại án VNCB nói chung...
Xét về mặt nguyên tắc, khoản 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ trở thành nợ phải trả khi không được phép tăng vốn. Bị cáo cũng đồng ý không bóc tách được nguồn tiền này nhưng phải làm rõ để biết nguồn tiền đi đâu." - Ông Mai nói.
Trong khi đó, Phạm Công Danh Bị cáo Phạm Công Danh cho rằng khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ được cơ quan điều tra xác định là lãi ngoài, do sai phạm mà có. Ông Danh khẳng định số tiền này đã chuyển cho ngân hàng CB, đề nghị HĐXX xem xét, thu hồi và khắc phục hậu quả.
Ông Phạm Công Danh tại phiên xử sáng 26/7.
Liên quan việc nhận chuyển giao ngân hàng từ nhóm cổ đông của bà Phấn, bị cáo cho rằng bà Phấn là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo sau này. "Mong HĐXX xem xét hậu quả, tôi tin chắc rằng nếu không có bà Phấn chiếm đoạt thì đề án tái cơ cấu đã thành công. Tôi đã bị lừa" - Ông Danh nói.
Ông này cũng đề nghị tòa không đưa Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) vào thi hành án trong giai đoạn 1 của vụ án, mà tách tài sản này ra để giải quyết bằng dân sự. Ông Danh xin HĐXX tạo điều kiện, cơ chế được làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn được hợp tác, cùng khai thác Sân vận động Chi Lăng.
"Thông qua việc hợp tác, khai thác này, số tiền có được bị cáo khẳng định dư để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", bị cáo Phạm Công Danh trình bày.
Hai bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang đều giữ nguyên lời khai như đợt xét xử sơ thẩm lần 1, thừa nhận có một số sai phạm nhưng không cố ý giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho VNCB nên mong HĐXX xem xét.
Cáo trạng thể hiện, ông Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng tiền của VNCB bảo lãnh cho các công ty do ông Danh thành lập để vay tiền từ Sacombank, TP Bank và BIDV thế chấp bằng tiền gửi của VNCB.
Sau đó, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi lên tới hơn 6.126 tỷ đồng dẫn đến thiệt hại cho VNCB. Trong đó, Sacombank thu hơn 1.835 tỷ đồng, TP Bank thu hơn 1.740 tỷ đồng, BIDV thu hơn 2.550 tỷ đồng.
Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, tháng 2/2017, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi tiếp nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và chuyển kết luận cho VKS để hoàn tất cáo trạng.
Sau quá trình điều tra và điều tra bổ sung, VKSND Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án trong cáo trạng trước. Theo đó, không có thêm bị can nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.
Hiện ông Phạm Công Danh đang chấp hành bản án 30 năm tù liên quan đến thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB giai đoạn 1.