Ông Park sai lầm, nhưng là bởi sự thèm khát cháy bỏng của bóng đá Việt Nam

Đặng Xá |

30 năm đi sau lưng con voi, bỗng một ngày ngồi lên lưng voi, thật không dễ để ngay lập tức trở thành người quản tượng lành nghề.

1. Ngót nghét 30 năm, kể từ ngày hội nhập trở lại với khu vực, bóng đá Việt Nam luôn đau đáu một khát vọng. Đó là đánh bại người Thái, kẻ thống trị tuyệt đối bóng đá Đông Nam Á từ thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000. Nỗi khát vọng ấy rất dễ nhận ra qua những cơn sốt vé. Dù là những trận đấu có cùng tính chất song khi đối thủ là Thái Lan, giá vé luôn được đẩy cao hơn gấp nhiều lần.

Hoặc trực diện hơn, chúng ta luôn có thói quen tìm xem người Thái ở đâu trong những lần bốc thăm chia bảng SEA Games hoặc Tiger Cup/AFF Cup và chúng ta sẽ gặp người Thái ở vòng đấu nào, bán kết hay chung kết… và thua. Đơn giản khát vọng ấy ghì chúng ta lại chứ không phải đẩy chúng ta đi lên. Vì chúng ta luôn chỉ nhìn vào cái lưng của người Thái, cái đuôi của con voi theo biệt danh của đội tuyển Thái Lan.

Bỗng một ngày, HLV Park Hang-seo xuất hiện như ông Bụt trong truyện cổ tích, viết nên giấc mơ tuyết trắng tại Thường Châu và đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới. Sau ngôi á quân U23 châu Á là việc lọt vào top 4 Asiad, rồi vô địch AFF Cup. Trong nhưng chiến tích diệu kỳ ấy, không hề có bóng dáng người Thái, hoặc có thì rất nhợt nhạt. Bằng chứng là cho đến hiện tại, đội tuyển Việt Nam chưa hề đánh bại Thái Lan trong một giải đấu chính thức.

Ông Park sai lầm, nhưng là bởi sự thèm khát cháy bỏng của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Nói cách khác, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành đội bóng số một Đông Nam Á không theo kịch bản chúng ta vẫn tưởng tượng và đã xảy ra tại AFF Cup 2008. Đó là trực tiếp đánh bại Thái Lan. Chúng ta đã ngồi trên lưng con voi lúc nào không ai hay và chú voi chiến ấy cố vùng vẫy hết sức để đẩy chúng ta xuống vì bất phục. Vậy, nhiệm vụ của chúng ta là thuần phục con voi ấy. Nhưng, bằng cách nào?

2. Bóng đá hấp dẫn bởi tính bất ngờ. Một đội bóng yếu đánh bại một đội bóng mạnh là điều vẫn thường xuyên xảy ra. Thế nên hai đội bóng tương đồng đẳng cấp thì không thể nói trước được thắng thua. Bởi vậy, để trả lời câu hỏi vừa nêu, không đơn giản chỉ là cứ gặp là thắng Thái Lan. Đó là điều bất khả. Hãy nhìn vào thực tế là ngay cả những cuộc đụng độ gần đây, người Thái vẫn có phần áp đảo chúng ta.

Ông Park sai lầm, nhưng là bởi sự thèm khát cháy bỏng của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Đơn cử như cuộc thư hùng tại Mỹ Đình tối ngày 19/11 vừa qua. Thay vì tiếc nuối về tình huống trọng tài khước từ bàn thắng của Bùi Tiến Dũng, hãy nhìn nhận một cách khách quan và tổng quát rằng Thái Lan vượt trội Việt Nam về mặt thế trận. Nếu khó nuốt trôi thực tế ấy, có thể nhìn vào thông số thống kê. Thái Lan cầm bóng 63%, tung ra tổng cộng 13 cú dứt điểm, 7 tình huống trúng đích.

Về phía đội tuyển Việt Nam, chúng ta chỉ có 5 pha dứt điểm và đều không đi trúng đích. Hơn nữa, nếu không có sự xuất sắc của thủ thành Văn Lâm, người có không dưới 5 pha cản phá khiến cả cầu trường bật dậy vỗ tay tán thưởng hay tình huống lăn xả quên mọi hiểm nguy của Văn Hậu, Thái Lan đã có bàn thắng. Và khả năng cao sẽ giành chiến thắng, ngay tại Mỹ Đình.

Hẳn nhiên, sẽ có ý kiến bao biện rằng lối đá sở trường của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo là phòng ngự phản công, do đó việc cầm bóng hay dứt điểm ít hơn là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Song, cần nhìn vào thực tế, vị chiến lược gia người Hàn Quốc rất thèm khát đánh bại Thái Lan thông qua cách ông thay người.

Ông Park sai lầm, nhưng là bởi sự thèm khát cháy bỏng của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Phút 72, Hùng Dũng, tiền vệ có tính chiến đấu cao nhất trên sân của đoàn quân áo đỏ bị thay ra để Công Phượng vào sân, Quang Hải được kéo lùi về đá cặp tiền vệ trung tâm với Tuấn Anh. Đó không phải đội hình để phòng ngự!

3. Điều đáng nói, từ sau quyết định thay người ấy, đội tuyển Việt Nam lại càng lép vế hơn trước Thái Lan và trải qua những giây phút thót tim thực sự. Trước phút 72, Thái Lan thực ra chỉ có 1 pha dứt điểm trúng đích và đến từ quả đá 11m. Ngoài ra, "Voi chiến" gần như không thể tiếp cận khung thành Văn Lâm. 20 phút cuối trận, họ có thêm 6 pha dứt điểm trúng đích mà hầu hết đều rất chất lượng.

Phân tích rộng hơn, với cặp tiền vệ trung tâm thiếu tính chiến đấu là Quang Hải và Tuấn Anh, Việt Nam đã để Thái Lan áp đảo hoàn toàn ở khu trung tuyến, qua đó tạo ra những tình huống sóng gió. Trong đó, có 3 tình huống các cầu thủ Thái Lan đã rảnh chân để thực hiện cú sút xa trước vòng cấm. Thế nên, quyết định điều chỉnh chiến thuật nhân sự của ông Park là mạo hiểm và sai lầm.

Sự mạo hiểm và sai lầm ấy, xuất phát từ thèm khát đánh bại người Thái của ông Park, nhưng được tích tụ và truyền tải từ chính chúng ta, những người Việt, những người đã đứng sau người Thái quá lâu và luôn muốn đánh bại họ. Đánh bại người Thái hẳn nhiên cần thiết nhưng chưa hẳn cấp thiết nếu nhìn vào cục diện bảng đấu hiện tại. Một điểm vẫn đủ để Việt Nam đứng đầu bảng và tràn trề cơ hội đi tiếp.

Tóm lại, đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang-seo đã nóng vội dẫn đến sự thiếu sáng suốt trước người Thái. Thực tế, như đã đề cập, Thái Lan thèm khát chiến thắng hơn và hãy cứ để họ nóng vội rồi mắc sai lầm. Đó là chiêu thức của một người quản tượng. Khi con voi lên cơn, người quản tượng sẽ dẫn nó đến chỗ vắng để nó tự xử một mình. Khi nó đã hồi tâm trở lại mới xuất hiện và trừng phạt đích đáng. Nghệ thuật ngồi trên lưng voi là như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại