Ông Nguyễn Tử Quảng là một gương mặt nổi bật trong giới doanh nhân công nghệ Việt từ hàng chục năm nay. Nhắc đến ông Quảng là nhắc đến "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" tạo ra phần mềm diệt virus từ năm thứ 3 Đại học, người tạo ra chiếc smartphone Made in Vietnam đầu tiên hay hàng loạt những giải pháp CNTT cống hiến cho Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều người luôn đính kèm thêm biệt danh "nổ" khi nhắc về vị doanh nhân này. Mỗi lần sản phẩm mới của Bkav được ra mắt là một lần ông Quảng nhận về không ít tranh cãi trái chiều, ủng hộ nhiều mà "ném đá" cũng không ít.
Trong cuộc trò chuyện tại chương trình CafeTalk số 7: Phá vỡ định kiến do Cafebiz thực hiện, CEO Bkav đã có nhiều tâm sự và nhìn nhận thắng thắn vấn đề này.
Năm 2005, thời điểm ông Quảng bắt đầu thương mại hoá phần mềm diệt virus cũng là lúc các phát ngôn của ông bắt đầu bị công chúng để ý.
Vị doanh nhân nhớ lại: "Gần chục năm tôi làm phần mềm diệt virus miễn phí và được mọi người phong là hiệp sĩ công nghệ thông tin, cũng rất tự hào. Sau đó tôi quyết định thương mại hoá sản phẩm, tôi biết mối quan hệ bây giờ sẽ khác, giữa người mua và bán sản phẩm. Nhưng không ngờ đến khi đưa ra thì phản ứng hơi lớn. Tôi bắt đầu bị gọi là nổ từ năm 2005 vì mọi người không quen, nghĩ rằng tôi kiếm tiền mà không hề biết động lực đằng sau là để tôi làm tốt hơn nữa. Nhưng không sao cả, vì không phải ai cũng hiểu mình ngay".
Lúc đỉnh điểm bị ném đá là khi vị CEO Bkav tuyên bố rằng "phần mềm diệt virus Bkav có thể cạnh tranh sòng phẳng với các phần mềm khác trên thế giới". Thời điểm đó, không ai dám nói sản phẩm của Việt Nam tốt hơn của nước ngoài. Thậm chí đến bây giờ, mọi người cũng rất dè dặt.
Sau đó, ông Quảng nghĩ rằng do mình làm phần mềm nên mọi người không nhìn thấy được, không hiểu rằng Bkav đã làm rất tốt. Đến 2009, ông bắt đầu sang làm điện thoại và nghĩ rằng có thể sản phẩm hữu hình thì sẽ thay đổi tình hình. Nhưng còn bị ném đá nhiều hơn.
Thời gian đầu, vị CEO Bkav cảm thấy rất đau khổ khi đối diện với những lời ném đá. Ông mất nhiều thời gian để hiểu đợc gốc rễ vấn đề - trong đó có 2 năm stress đến nỗi không lên công ty.
"Tôi bị stress trong gần 2 năm sau đó, tình trạng còn tệ hơn cả trầm cảm. Suốt 2 năm ấy tôi không lên công ty. Nhưng, không bao giờ tôi nghĩ đến từ bỏ, bởi vì công việc đó như bản năng vậy. Mình đã nghĩ rất sâu, rất kỹ rồi, dứt khoát là Việt Nam phải làm và làm được.
Gần 2 năm, tôi điều hành công ty từ xa. Vừa làm Bphone 2017 vừa suy ngẫm sự đời, triết học. Tôi tìm về đến gốc, giải thích chính mình, tại sao mình làm như vậy vẫn bị chửi? Tôi nhận ra rằng mọi thứ đều có quy luật, rằng bất kể việc nào có tác động lớn tới xã hội thì không thể không gây tranh cãi. Việc mà ai cũng thấy dễ thì đã không gây tranh cãi.
Phần lớn như Albert Einstein, Edison hay bất kể nhà bác học, doanh nhân nào, hầu như không một ai không bị ném đá. Nói như vậy không phải tôi ví mình như các ông ấy. Tôi nhìn ra bài học từ đó. Dĩ nhiên chúng ta phải nói cho sòng phẳng, rằng: một việc lớn dĩ nhiên bị ném đá nhưng bị ném đá chưa chắc đã là chuyện lớn. Nhưng ít nhất, có dấu hiệu bị ném đá thì đó mới là việc lớn", ông Quảng chiêm nghiệm.
Tuy nhiên, qua những sản phẩm và nỗ lực phá vỡ định kiến của mình, ông cũng nhận thấy sự thay đổi tích cực trong quan điểm của công chúng. Với phần mềm diệt virus, thời điểm ban đầu có khoảng 10 đối thủ cạnh tranh nhưng đến hiện tại chỉ còn 1, và thị phần của họ cũng nhỏ hơn nhiều so với Bkav. Hay tại thời điểm công ty chuẩn bị ra mắt Bphone, mọi người vẫn nói với nhau câu chuyện rằng Việt Nam không làm nổi con ốc vít.
"Nó nặng nề kinh khủng. Nhưng bây giờ không ai nói vậy nữa, câu ấy tuyệt chủng rồi. Giờ đây họ nói về việc có cạnh tranh được với Apple hay không. Kể cả tôi đang bị ném đá, người ta bảo "Làm sao cạnh tranh được với Apple?". Như vậy là tốt rồi, ít nhất họ thừa nhận là có thể so sánh đã, còn được hay không, chờ kết quả", CEO Bkav bày tỏ.