Thương vụ Gỗ Trường Thành (TTF) năm 2016 có thể xếp là một trong những cuộc M&A "chóng đến vội đi" đáng chú ý nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ. Khi bê bối hàng tồn vỡ lẽ, doanh nghiệp đứng trước áp lực nợ vay ngất ngưỡng… đã từng rất nhiều tên tuổi tham gia rót vốn, tuy nhiên cũng rút nhanh chóng sau đó.
Điểm lại, quyết định chi 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành vào tháng 5, đến tháng 11/2016 Tân Liên Phát (công ty con VinGroup) đã lần lượt bán ra cổ phiếu nắm giữ. Cùng tham gia công cuộc cứu thương hiệu gỗ vang bóng một thời vào cuối năm 2017, SAM Holdings đến tháng 4/2018 cũng vội vàng rút chân.
Ban lãnh đạo mới mất cả năm để tìm ra thương hiệu Total Furniture
Chỉ còn một người ở lại, Xây dựng U&I của ông Mai Hữu Tín – tên tuổi có tiếng trong làng M&A, đặc biệt thành công với thương vụ giải cứu Giấy Sài Gòn – đang dần đến hồi kết của những khúc mắc thua lỗ.
Cùng với Sứ Thiên Thanh, ông Tín tự tin khẳng định đang đưa thương hiệu "Gỗ Trường Thành" trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á dưới thương hiệu mới Total Furniture.
Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, và Công ty tiếp tục phải thua lỗ, ông Mai Hữu Tín chủ trì ĐHĐCĐ thường niên 2019 với tâm thế phấn khởi hơn, đảm nhận ghế Chủ tịch và bày tỏ niềm tin hoàn toàn vào tương lai sắp đến của doanh nghiệp.
TTF đặt kế hoạch 2019 với doanh thu 1.291,4 tỷ đồng, giá vốn dự kiến tăng mạnh khiến Công ty dự lỗ gộp 143,6 tỷ, trừ đi tất cả chi phí TTF ước lỗ ròng 588 tỷ đồng.
Những tưởng áp lực tìm lời giải thua lỗ, thiết lập kế hoạch hành động mới… là trọng yếu, trong lần chia sẻ mới đây, ông Mai Hữu Tín khẳng định thực tế công cuộc chọn thương hiệu doanh nghiệp mới thực sự khiến ban lãnh đạo đau đầu.
Bởi, "không thể làm thương hiệu nếu không xác định tầm nhìn, chiến lược rõ ràng", ban lãnh đạo mới theo đó đã mất cả năm tính toán xem lấy tên gì thay thế cho Gỗ Trường Thành mà vẫn giữ mã chứng khoán TTF. Cuối cùng, thương hiệu Total Furniture ra đời - định hướng phải là công ty nội thất hàng đầu Đông Nam Á.
Liên quan đến việc đổi tên, hiện Công ty chưa thực hiện vì cần giải quyết dứt điểm với cựu chủ tịch Võ Trường Thành. "Tôi rất vui hai bên nói chuyện thường xuyên, hàng ngày để giải quyết cho xong sớm bàn giao, anh Thành rất có thiện chí.
Nó phải xong, thưa cổ đông", TTF bây giờ theo ông Tín chính thức chuẩn bị nhận lại các khoản mà ông Thành và gia đình trả lại. Bộ Công an sau khi làm việc đã giao vụ án cho công an Bình Dương, đầu tháng 6 vừa qua đã cho phép giải tỏa toàn bộ tài sản của TTF.
Bản thân hiểu "đau xót" khi từng mất thương hiệu Phở 24, ông Tín quyết "giết chết" Gỗ Trường Thành vì đã có quá nhiều lỗi
Ngược lại, từ câu chuyện "đau xót" của chính mình khi thương hiệu Phở 24 biến mất sau khi bán đi, ông Tín mặc dù hiểu được cảm giác của cổ đông sáng lập nhưng cương quyết xóa bỏ thương hiệu Gỗ Trường Thành sau khi thâu tóm.
"Sở dĩ phải "giết chết" Gỗ Trường Thành bởi thương hiệu này mặc dù đã tồn tại trên thị trường một thời gian dài nhưng lại có nhiều vấn đề, nhiều lỗi và nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng không tốt đến cổ đông cũng như doanh nghiệp sau khi M&A", ông Tín phân trần.
Là một tên tuổi khá nổi trong thị trường đồ gỗ, nội thất… Gỗ Trường Thành sau sự cố hàng tồn 2016 đã thực sự rệu rã. Năm 2016, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế tới 1.768 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 195 tỷ đồng, nợ ngân hàng, nghi vấn "gian lận" số hàng tồn phải thu…
Sau khi doanh nghiệp U&I tiếp quản, ông Tín khẳng định mọi việc đến nay đã được giải quyết cơ bản, đặc biệt khoản lỗ giấu ròng rã nhiều năm liền đã được hóa giải.
Năm 2019 theo đó sẽ là năm cuối phát hành tăng vốn để xử lý dứt điểm những tồn đọng, từ năm 2020 sẽ không còn trích lập. Con số kinh doanh lúc này dự kiến thể hiện hoạt động thực sự của TTF.
"Anh chị thấy tôi chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc và ngồi ghế Chủ tịch, như vậy ít nhất hôm nay tôi có tinh thần thoải mái hơn, để tính toán cho chuyện tương lai nhiều hơn. Tình hình sắp tới nói nghiêm túc là rất sáng.
Tôi tự tin không tăng vốn nữa đâu. Ít nhất cổ phiếu phải tăng giá lên lại 10.000 đồng, nếu phát hành thì giá sao tăng được, thực tế TTF cũng không cần thêm nguồn tiền nữa.
Cổ đông cũng như tôi, khi thấy giá cổ phiếu càng lúc càng tệ thì buồn chứ, nhưng không thể buồn hoài, bản thân tôi phải trả lời với cổ đông và cả gia đình tôi", ông Tín cho rằng TTF sẽ tăng trở lại và cần khoảng vài năm để cổ phiếu quay về mệnh giá.
Quý 2/2019, TTF báo lỗ ròng hợp nhất 291 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 735 tỷ cùng kỳ năm 2018.
Thành tích có được nhờ Công ty không còn trích lập dự phòng phải thu toàn bộ các công nợ quá hạn thanh toán; không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn bổ sung với hàng dở dang, thành phẩm và hàng hóa chậm luân chuyển; chi phí lãi vay giảm mạnh; không ghi nhận chi phí thoái vốn đầu tư như hồi quý 2/2018.
Từng có giá trên 40.000 đồng trước biến cố nhưng hiện cổ phiếu TTF còn chưa đến 3.000 đồng