Ông lão nhặt được mảnh vàng, hàng xóm đặt 350 triệu đồng nhưng ông không bán, chuyên gia ngỡ ngàng: Lời thú tội của Võ Tắc Thiên!

TAMMY |

Người ta đặt cả chồng tiền cọc ở nhà người nông dân già, ép ông phải nhận và bán mảnh vàng, điều này khiến ông lão ngày đêm sống trong thấp thỏm.

Tháng 5/1982, người nông dân Khuất Tây Hoa, sống tại huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam, đã tìm thấy cả một kho báu khảo cổ khi lên núi Tung Sơn đào thuốc. Ông Khuất chỉ đơn thuần làm công việc đào thảo mộc của mình nhưng lần này ông lại tìm thấy một mảnh kim loại hình chữ nhật dính đầy bùn đất.

Ông lão nhặt được mảnh vàng, hàng xóm đặt 350 triệu đồng nhưng ông không bán, chuyên gia ngỡ ngàng: Lời thú tội của Võ Tắc Thiên! - Ảnh 1.

Mảnh vàng được người nông dân tìm thấy. Ảnh: Sohu

Ông lão thấy vậy rất thích thú, chẳng còn màng chuyện đào thuốc mà bỏ ngay thanh kim loại vào giỏ rồi mang về nhà. 

Điều thú vị là thanh kim loại kỳ lạ này càng lau lại càng sáng, khi lau sạch thì lóe ra ánh sáng như vàng. Trên thanh kim loại có rất nhiều ký tự nhưng người nông dân do không được học hành bài bản nên không thể đọc được chữ nào.

Ông Khuất mau chóng mang thanh kim loại tới nhà người anh họ thân tín nhờ đọc hộ, ông này khẳng định đây chính là vàng nhưng dòng chữ khắc bên trên thì rất lạ, còn một số ký tự chính ông cũng chưa nhìn thấy bao giờ. 

Chẳng ngờ sau cuộc gặp ấy, cả làng đã biết được thông tin ông Khuất Tây Hoa nhặt được bảo vật bằng vàng.

Hàng xóm và những người lạ cũng tìm đến nhà ông đòi xem miếng vàng rồi xin mua lại. Ban đầu chỉ là 1.000 NDT, rồi 5.000, 10.000 NDT, đến lúc số tiền đã lên tới 100.000 NDT (350 triệu đồng) thì ông Khuất quá lo lắng.

Người ta đặt cả chồng tiền cọc ở nhà ông, ép phải nhận và bán cho họ khiến người nông dân già ngày đêm sống trong thấp thỏm. Khuất Tây Hoa biết rằng đây không phải mảnh vàng thông thường và nếu nhận tiền rồi bán cho những người kia, chắc hẳn ông sẽ vướng vào vòng lao lý.

Ông cụ quyết tâm tìm đến cơ quan chức năng rồi kể lại toàn bộ sự tình với họ. Tại đây, ông đã giao nộp di tích văn hóa và được nhà nước tặng thưởng cờ hiệu cùng 1.500 NDT, số tiền tuy không nhiều nhưng không ai còn tới làm phiền người nông dân nữa.

Mảnh vàng của Võ Tắc Thiên

Các chuyên gia sử học tại tỉnh Hà Nam nhanh chóng xác nhận được mảnh vàng này có liên quan tới nhân vật nức tiếng Võ Tắc Thiên.

Tên chính xác của nó là kim giản, một phương tiện để người phàm giao tiếp với các vị thần theo quan điểm của Đạo giáo. Người ta chỉ cần thành tâm viết ước muốn của mình lên tấm kim giản rồi chôn xuống nơi linh thiêng là có thể truyền tải thông điệp cho đấng cao xanh.

Ông lão nhặt được mảnh vàng, hàng xóm đặt 350 triệu đồng nhưng ông không bán, chuyên gia ngỡ ngàng: Lời thú tội của Võ Tắc Thiên! - Ảnh 3.

Kim giản của Võ Tắc Thiên có một số ký tự do chính bà sáng tạo nên. Ảnh: Sohu

Vào thời nhà Đường, các vị hoàng đế thường sử dụng những tấm giản bằng vàng (kim giản), hoặc ngọc (ngọc giản). Tấm kim giản của Võ Tắc Thiên có kích thước 36,5 cm x 8 cm x 0,1 cm, trọng lượng là 233,5 gam với độ tinh khiết của vàng trên 96%. Bên trên khắc 63 ký tự cùng hai chữ "Võ Chiếu" - cái tên bà tự đặt cho mình.

Vào năm 700, Võ Tắc Thiên đã cùng các đạo sĩ đến núi Tung Sơn để xin được xóa bỏ những tội lỗi mà mình từng gây ra và xin các vị thần ban cho sự trường thọ.

Trong 63 ký tự trên kim giản, có 5 ký tự được chính Võ Tắc Thiên sáng tạo ra, như chữ 曌 (chữ "Chiếu" - tên Võ Mị Nương tự đặt cho mình), 圀 (ý nghĩa tương đương chữ "quốc").

Ông lão nhặt được mảnh vàng, hàng xóm đặt 350 triệu đồng nhưng ông không bán, chuyên gia ngỡ ngàng: Lời thú tội của Võ Tắc Thiên! - Ảnh 5.

Võ Tắc Thiên vì ngôi báu mà đang tâm sát hại con đẻ của mình. Ảnh: Sohu

Giới sử học cho rằng để có được quyền lực, Võ Tắc Thiên đã gây nên nhiều chuyện tày đình, thậm chí sát hại cả con ruột nên những năm tháng sau đó bà cảm thấy vô cùng tội lỗi.

Kim giản này được Võ Hậu cho khắc khi đã 76 tuổi và mắc bệnh hiểm nghèo, bà mong rằng trước khi chết được một lần xá tội để không phải chịu những cực hình dưới địa ngục.

Cho tới thời điểm này, khi lăng mộ Càn Lăng của Võ Tắc Thiên vẫn chưa được khai quật, tấm kim giản mà người nông dân họ Khuất đào được chính là di tích văn hóa hiếm hoi có liên quan đến người đàn bà quyền lực và bí ẩn nhất lịch sử Trung Hoa.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại