Ông lão khóc nức nở tiễn vợ chồng F0 đi cách ly, cầm cọc tiền phát cho dân nghèo: 'Có bao nhiêu tôi cho đi bấy nhiêu'

Huy Hậu ghi |

Ngày tiễn vợ chồng chị Diễm Trang (50 tuổi) đi cách ly vì là F0, dù chẳng bà con thân thích, nhưng ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi) vẫn bật khóc nức nở. Ông đứng ra kêu gọi mạnh thường quân và gia đình để gửi tiền tặng tất cả công nhân nghèo trong xóm trọ.

KHÔNG THU TIỀN TRỌ SUỐT 4 THÁNG, KÊU GỌI THÊM QUÀ ĐỂ PHÁT CHO NGƯỜI KHÓ KHĂN

Bước chân tới con hẻm 147 Lê Đình Cẩn (P, Tân Tạo, Q. Bình Tân, TP.HCM), hỏi thăm nhà ông Lê Tuấn Giảng, y rằng tất cả người dân trong hẻm đều biết và chỉ đường tận tình.

Bởi đối với họ, chú Tư Giảng không chỉ là một hàng xóm, mà còn là người cha trong gia đình. Họ đặt cho ông chiếc biệt danh "Đại gia pyjama" sau clip ông cầm xấp tiền phát cho toàn bộ bà con xóm trọ.

Clip ông chủ trọ phát tiền cho từng người khó khăn trong dãy trọ khiến nhiều người xúc động.

Theo đó, 6 năm trước, khi các con cái đã yên bề gia thất, chú Tư Giảng đã xây một dãy nhà trọ để tăng thu nhập cho bản thân. Tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại TP.HCM, hầu hết bà con là công nhân, lao động tự do, thợ hồ… nên rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

"Thế là tôi ra thông báo giảm 50% tiền nhà. Đến tháng 6, công việc tại công ty ngưng trệ, tôi tiếp tục giảm hoàn toàn 100% nên bà con vỗ tay mừng lắm! Tháng 10 này dù thành phố mở cửa lại nhưng công ty cho đi làm chưa nhiều, tôi vẫn sẽ giảm tiền cho họ…"

Nhiều lần đi ngang dãy căn trọ, thấy cả gia đình chỉ ăn mỗi một nồi canh lỏng bỏng nước, chú Tư càng xúc động hơn.

Vài hôm sau, ông quyết định vét toàn bộ tiền túi và kêu gọi thêm con cái để phụ tặng bà con toàn bộ dãy trọ trên địa bàn, mỗi người 200.000 đồng. Ngoài ra chú Tư còn đi khuân gạo, phân phát rau củ quả để không người nào "bị bỏ lại sau lưng".

"Có khi tôi làm từ 6h sáng đến 1-2h chiều chưa xong. Mọi người đều lo tôi lớn tuổi, nhưng sức tôi còn khoẻ lắm nên vẫn làm. Nhận xong quà, bà con mừng khóc, tôi chỉ nói: Người ta có tiền nhiều, bỏ ra hỗ trợ nhiều, còn tôi không có tiền thì tôi lấy sức, lấy chỗ này chỗ kia nhất quyết không để ai khó khăn…"

Ông lão khóc nức nở tiễn vợ chồng F0 đi cách ly, cầm cọc tiền phát cho dân nghèo: Có bao nhiêu tôi cho đi bấy nhiêu - Ảnh 3.

Ông Giảng được mọi người đặt cho biệt danh: "Đại gia pyjama"

Một đêm, anh Nguyễn Văn Lộc (51 tuổi) lên cơn ho sốt nặng. Chị Diễm Trang (vợ anh Lộc) lo lắng bèn đi mua que thử về test Covid-19. Nhận kết quả 2 vạch đỏ trở thành F0, 2 vợ chồng hoang mang lắm. Cả 2 quyết định tự mình gọi xe cứu thương để vào trung tâm cách ly điều trị.

"Đến khi đi qua cửa nhà của chú Tư, chị xách cái balo lên, nói: Con đi nghen chú Tư. Thế mà ông đứng trong nhà, nhìn mình, oà lên khóc nức nở như một đứa con nít. Mình đứng nhìn vô cùng xót xa"

Nhiều ngày sau đó, chú Tư vẫn lo lắng cho 2 vợ chồng chị Trang không nguôi. Bà con gần đó thấy xót cho ông già nên nói với chị Trang. Mãi đến khi chị gọi điện về, quay video cho thấy sức khoẻ ổn, ông lão mới thôi không khóc nữa.

"Ở đây chú Tư xem mọi người nên con nên tình cảm lắm! Đến ngày về đây, chú phát cho 2 vợ chồng 400.000 đồng và bảo 2 anh chị bệnh, được phần nhiều hơn. Không còn gì bằng cái tấm lòng ấy cả…" - chị Trang nói.

Ông lão khóc nức nở tiễn vợ chồng F0 đi cách ly, cầm cọc tiền phát cho dân nghèo: Có bao nhiêu tôi cho đi bấy nhiêu - Ảnh 4.

Ông Giảng vẫn bật khóc khi nhớ tới ngày đưa 2 vợ chồng chị Trang đi cách ly vì trở thành F0.

"TÔI GIÀ RỒI, KHÔNG CẦN GÌ NHIỀU, CÓ BAO NHIÊU SẼ CHO ĐI HẾT BẤY NHIÊU"

Chia sẻ về tình cảm của chú Tư Giảng, gia đình anh Trương Tuấn Bưởu (42 tuổi, công nhân) cho biết, đã ở dãy trọ suốt 6 năm và chưa bao giờ muốn chuyển đi.

"Giá ở đây đã rẻ nhất trong khu vực, chú Tư còn thương mọi người lắm! Có hôm mọi người đã về nhà cơm nước, ông ấy thì vẫn cần mẫn phát gạo, về thì chỉ 1 gói mì tôm là xong. Ở Sài Gòn hiếm tìm được một người dưng như thế?" - anh Bưởu nói.

Ông lão khóc nức nở tiễn vợ chồng F0 đi cách ly, cầm cọc tiền phát cho dân nghèo: Có bao nhiêu tôi cho đi bấy nhiêu - Ảnh 6.

Vợ chồng chị Trang rất cảm kích tấm lòng của người chủ trọ đáng kính.

Chị Trang vẫn lưu giữ toàn bộ giấy tờ sau khi ra viện.

Chú Tư chia sẻ, bản thân từ quê nhà Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Từng kinh qua đủ mọi ngành nghề để có tiền nuôi 6 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, nên chú rất thấu hiểu hoàn cảnh của những người ly hương khổ cực.

Ở tuổi 78, dù sức khoẻ đã đi xuống, nhiều lần các con muốn đưa cha về để tiện chăm sóc, an hưởng tuổi già. Thế nhưng, chú Giảng đều từ chối. Ông chia sẻ, thứ nhất vì không muốn làm gánh nặng cho con cái. Thứ 2, ông vẫn còn minh mẫn để có thể tự kiếm được đồng ra đồng vào.

Ông lão khóc nức nở tiễn vợ chồng F0 đi cách ly, cầm cọc tiền phát cho dân nghèo: Có bao nhiêu tôi cho đi bấy nhiêu - Ảnh 8.

Ông Giảng tâm niệm: "Giờ tôi già rồi, không cần gì nhiều, mất đi cũng không đem được hết. Vì vậy có bao nhiêu tôi sẽ cho đi bấy nhiêu".

Bất ngờ nổi tiếng sau đoạn clip ghi lại cảnh cầm xấp tiền phát cho từng người thuê trọ, những ngày qua cuộc sống của chú đã có thêm nhiều niềm vui khi lan tỏa điều tích cực đến mọi người. "Giờ tôi già rồi, không cần gì nhiều, mất đi cũng không đem được hết. Vì vậy có bao nhiêu tôi sẽ cho đi bấy nhiêu.

Sức mỗi mình tôi chỉ là hạt cát trên sa mạc, nên tôi muốn lan toả cho mọi người thấy tinh thần: Có của thì cho của, có công cho công, chỉ cần mình hướng thiện và mong cầu giúp đỡ, bằng mọi cách chúng ta vẫn có thể giúp được rất nhiều người" - chú Tư cười.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại