Ông lão hơn 70 tuổi thắng kiện cả chủ tịch huyện và chủ tịch tỉnh

Lâm Vinh |

Với khẳng định các quyết định của UBND huyện Vĩnh Tường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc là trái thẩm quyền và vi phạm thời hạn giải quyết nên TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện.

Cụ thể, theo đơn kháng cáo của ông Trần Hữu Nghĩa (người khởi kiện, SN 1943, trú ở xã Lỹ Nhân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), ngày 30-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hành chính, xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Trần Hữu Nghĩa là người khởi kiện Quyết định số 363/QĐ-CT ngày 1-2-2008 của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường (gọi tắt là QĐ 363), Quyết định số 2391/QĐ-CT ngày 3-9-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (QĐ 2391) và đã có kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện giữ nguyên nội dung kháng cáo là đề nghị tòa án tuyên hủy 2 quyết định hành chính nêu trên.

Ngược lại, đại diện Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Nghĩa và đại diện Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có đơn xin xét xử vắng mặt.

Nội dung vụ án cho thấy, gia đình ông Trần Hữu Nghĩa và gia đình người hàng xóm tranh chấp nhau 64m2 đất ở.

Ngày 1-2-2008, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường đã ra QĐ 363 giải quyết việc tranh chấp đất đai này vì cho rằng thẩm quyền giải quyết là của UBND huyện.

Không bằng lòng với QĐ 363, ông Nghĩa có đơn khiếu nại trực tiếp đến Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường và có đơn khiếu nại quyết định 363 gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên hơn 4 năm sau, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ra quyết định giải quyết khiếu nại (QĐ 2391) đối với ông Nghĩa với nội dung cơ bản giữ nguyên quyết định của UBND huyện Vĩnh Tường.

Cho rằng QĐ 363 của UBND huyện Vĩnh Tường là trái pháp luật, còn QĐ 2391 là vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại, tố cáo, ông Nghĩa đã khởi kiện các quyết định hành chính này ra tòa án. Ngày 21-8-2017, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đưa vụ kiện hành chính ra xét xử, rồi tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Hữu Nghĩa.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện và những người bị kiện đều giữ nguyên quan điểm của mình như ở cấp tòa sơ thẩm.

Theo đó, ông Nghĩa cho rằng diện tích đất mà gia đình ông và gia đình hàng xóm tranh chấp nhau có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp và hợp lệ nên thẩm quyền giải quyết phải là tòa án.

Tương tự, đối với QĐ 2391, ông Nghĩa nhìn nhận Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã không kịp thời giải quyết khiếu nại công dân theo quy định của pháp luật…

Thể hiện quan điểm, người khởi kiện cũng trưng ra nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của mình là có căn cứ và đúng pháp luật.

Ngược lại, đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, người liên quan và cả cơ quan chuyên môn của địa phương này không thể xuất trình được đầy đủ những căn cứ, tài liệu nhằm bác bỏ yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của ông Nghĩa cũng như bảo vệ được sự đúng đắn của QĐ 363.

HĐXX phúc thẩm cho rằng yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của ông Trần Hữu Nghĩa là có cơ sở, đúng pháp luật nên căn cứ vào Luật Đất đai; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Tố tụng Hành chính cần chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.

Trên cơ sở ấy, TAND Cấp cao tại Hà Nội đi đến quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 21-8-2017 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng hủy bỏ các QĐ 363, QĐ 2391 của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng với phán quyết nêu trên, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng quyết định dành quyền khởi kiện dân sự ra tòa án cho ông Trần Hữu Nghĩa trong việc tranh chấp đất đai đối với gia đình người hàng xóm và quyết định các vấn đề về án phí, lệ phí.

Xem bài gốcTại Đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại