Ông Kim Nhật Thành vi hành, người Triều Tiên dáo dác: Tướng quân biết thuật dịch chuyển, uy phong phải khác người thường

An An |

Trang mạng đối ngoại Triều Tiên Uriminzokkiri những năm gần đây đã đăng tải một số sử liệu về Chủ tịch Kim Nhật Thành. Dưới đây là nội dung các bài viết đó.

Quần chúng nhân dân mới là thầy

Vào ngày 31/8/1975, Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) đã đến thăm Trưởng phân xã Thông tấn xã Nhật Bản Kyodo tại Bình Nhưỡng và dùng bữa trưa cùng ông này.

Trong bữa trưa, nhà báo Nhật Bản đã đặt loạt câu hỏi về các lĩnh vực kinh tế khác nhau của Triều Tiên như công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng và dành tặng lời khen cho Chủ tịch Kim Nhật Thành: "Hiểu biết của Chủ tịch về tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia còn hơn cả giới chuyên gia, không ai có thể so sánh được".

Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã mỉm cười và cho biết tất cả những hiểu biết của ông đều học từ quần chúng nhân dân.

Ông nói: "Tôi thường đi sâu đi sát công nhân, nông dân, học giả và nói chuyện với họ. Nhân dân đưa ra rất nhiều ý kiến hay. Nếu anh đi sâu đi sát nhân nhân, anh có thể tránh được sai lầm của chủ nghĩa chủ quan".

Ông cũng nói rằng các nhà khoa học nông nghiệp thường làm việc trên sách vở nhưng nông dân có kinh nghiệm phong phú trong canh tác nên có thể học được nhiều kiến thức khi tiếp xúc họ.

"Có thể nói rằng, quần chúng nhân dân như nông dân chính là thầy của tôi".

Nghìn vàng khó mua

Chủ tịch Kim Nhật Thành từng gặp nữ nhà văn Đức trong khoảng thời gian từ năm 1980-1990.

Vào ngày 22/7/1983, Chủ tịch Nhật Thành đã gặp nữ nhà văn người Đức Luise Rinser tại Bình Nhưỡng.

Bà Rinser chia sẻ ngay khi vừa đặt chân đến Bình Nhưỡng, bà đã cảm thấy không khí ở Triều Tiên rất trong lành khiến tinh thần vô cùng sảng khoái.

Chủ tịch Kim Nhật Thành cho biết, công tác bảo vệ môi trường ở Triều Tiên được thực hiện rất tốt. "Khi giải quyết bất kỳ vấn đề nào, trước tiên chúng ta phải nghĩ về lợi ích của quần chúng nhân dân."

Ông nói từng có các mỏ vàng được khai thác trên núi Myohyang nhưng sau đó ông đã ra lệnh cấm khai thác.

"Vào thời điểm đó, tôi đã nói, một vài tấn vàng có thể đổi được cảnh quan của Myohyang không? Không có vàng cũng vẫn sống được. Người dân của chúng tôi đến Myohyang tham quan và nghỉ dưỡng. Họ nhất định rất hạnh phúc."

Cùng năm đó, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nghiêm khắc khiển trách các cán bộ liên quan đến việc khai thác các mỏ vàng. Nếu khai thác các mỏ vàng ở Myohyang, những loài chim đẹp quý hiếm như yểng quạ sẽ sợ hãi bay đi vì tiếng nổ điếc tai và những loài cá nước ngọt sẽ chết vì nước thải từ các mỏ vàng đổ ra sông Chongchon.

Chủ tịch Kim Nhật Thành bồi hồi kể lại, tuyệt đối không được phá hủy cảnh đẹp của Myohyang chỉ vì vài tấn vàng. Ngày nay, người dân chúng tôi rất thích đến Myohyang để nghỉ dưỡng và tận hưởng những tháng ngày dễ chịu.

"Thứ mà nghìn vàng cũng không mua được chính là lợi ích của quần chúng nhân dân", Chủ tịch Kim Nhật Thành nói.

Chủ tịch Kim Nhật Thành vi hành

Vào mùa hè năm 1936, lực lượng chủ lực của quân đội Triều Tiêu đã đến thăm một lâm trường khu vực núi Paektu.

Các công nhân tại lâm trường đã hoa chân múa tay vui sướng khi nghĩ tới việc họ có thể nhìn thấy Tướng quân Kim Nhật Thành trong dịp này. Tuy nhiên, khi họ nhìn thấy đội quân du kích ăn mặc như nhau nên họ không thể nhận ra ai mới là Tướng Kim Nhật Thành.

"Cuối cùng thì vị nào mới là Tướng Kim Nhật Thành vậy?"

Mọi người đều muốn được gặp Tướng Kim Nhật Thành, dù chỉ ở khoảng cách xa nhưng không ai trả lời câu hỏi của họ.

Ông Kim Nhật Thành vi hành, người Triều Tiên dáo dác: Tướng quân biết thuật dịch chuyển, uy phong phải khác người thường - Ảnh 2.

Tướng quân Kim Nhật Thành. Nguồn ảnh: Sputnik

Ngay sau đó, một cụ ông lớn tuổi đã tự tin rằng:

"Tướng Nhật Thành biết dùng súc địa thuật (ý chỉ loại pháp thuật biến xa thành gần, di chuyển tức thời từ khoảng cách xa). Do đó, tuổi tác và uy phong của Người sẽ không giống người lính bình thường. Nếu có thể tìm thấy một người ăn mặc đặc biệt, đó chính là Tướng quân".

Thấy có lý, các công nhân vội vã chạy tới đội quân du kích để tìm người ăn mặc đặc biệt. Nhưng làm thế nào cũng không tìm ra được người như thế.

Tuy nhiên, có một người rất khác so với số đông còn lại khiến các công nhân nghi ngờ có thể đây chính là tướng quân mà họ đang tìm.

Nghi ngờ này đã bị ông lão gạt phắt đi.

"Đừng nói linh tinh, ông ấy là chỉ huy hậu cần. Tôi còn chuẩn bị bữa ăn cho binh lính cùng ông ấy, vì vậy tôi biết ông ấy. Hơn nữa, các anh chị không nghĩ xem, lẽ nào Tướng quân lại ăn mặc như vậy à?".

Các công nhân sau khi nghe "lời dạy" của ông lão, họ lại dáo dác đi tìm Tướng quân nhưng tận tới khi đơn vị bộ đội sắp rời lâm trường mà họ vẫn không thể tìm thấy. Do đó, các công nhân đã yêu cầu ông lão đi hỏi trực tiếp "chỉ huy hậu cần".

Ông lão lo lắng đánh mất cơ hội cuối cùng nên đánh liều đi hỏi "chỉ huy hậu cần":

"Mọi người đều muốn gặp Tướng quân Kim Nhật Thành, ngài có thể cho tôi biết vị nào mới là Tướng quân không?"

Lúc này, "chỉ huy hậu cần" không trả lời mà mỉm cười, theo đó, đội du kích cũng cười phá lên.

Ông lão trở nên hoang mang và không biết làm gì.

"Chỉ huy hậu cần" ghé sát người ông lão, ân cần nói:

"Chúng tôi là Quân đội cách mạng nhân dân Triều Tiên chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Do đó, Kim Nhật Thành cũng có thể ở không xa đội ngũ của chúng tôi."

"Hả, không xa à?! Như vậy có nghĩa là, Tướng quân đã không đến chỗ chúng tôi phải không?", ông lão thất vọng ngồi phịch xuống đất.

Chính vào lúc này, một sĩ quan quân nhu lại dìu ông đứng dậy và nói:

"Tướng quân Kim Nhật Thành đang đứng trước mặt ông đó!",

Ông lão bàng hoàng, liếc mắt về phía trước.

Hóa ra Tướng quân chính là "chỉ huy hậu cần" trong trang phục giản dị, đứng mỉm cười trước mặt.

Ông lão run rẩy lắp bắp một tiếng "Tướng quân" và phủ phục trước mặt [Chủ tịch Kim Nhật Thành]:

"Xin hãy lượng thứ cho lỗi lầm của tôi. Tôi có mắt không tròng nên mới nhầm Ngài là chỉ huy hậu cần".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại