Ông Huỳnh Uy Dũng: Giàu hay nghèo đích đến vẫn là mưu cầu hạnh phúc

Kim Yến |

"Bao nhiêu năm làm kinh doanh, tôi hiểu chết có mang theo gì đâu, nên biết dừng lại sớm, không chiếm hữu. Dâng hiến hết cho xã hội, tôi chuẩn bị kể cả khi nhắm mắt sẽ đem tro rải xuống biển, không mang theo cái gì", ông Huỳnh Uy Dũng, vẫn thường được gọi với biệt danh "Dũng Lò vôi" chia sẻ.

Sở hữu khối tài sản lớn gồm khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến rộng trên 459ha ở Bình Dương, khu công nghiệp Bình Dương gồm Sóng Thần 1, 2 và 3, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, biệt danh “Dũng Lò vôi” nổi tiếng trong giới kinh doanh bởi những quyết định… không giống ai, những phát ngôn gây sốc.

Sau khoảng thời gian im lặng đi chơi và viết sách, ông lại làm cho giới kinh doanh bất ngờ khi quyết định đầu tư một trường đua rộng 22 ha và xây tiếp 18 đền thờ quây quần bên cạnh đền thờ Vua Hùng và bách gia trăm họ ...

Ăn mặc bình dị, phong thái xuề xòa, ông chia sẻ tất cả công việc kinh doanh của mình bây giờ chỉ là để cho người dân. Nhìn hơn 20 đầu sách đã xuất bản của ông, phần lớn là sách về lịch sử, tâm linh, luân hồi chuyển kiếp, ngạc nhiên về sức nghĩ, sức viết của ông, một người chưa học đến lớp 12.

Có lẽ lần đầu tiên trên thế giới có một tổ hợp trường đua “không giống ai” theo hình thức 5 trong 1 như ông đang làm, vừa đua ngựa, đua chó, đua xe địa hình, mô tô phân khối lớn, mô tô nước…?

“Cái khó ló cái khôn” chứ tôi chẳng giỏi giang gì. Vì đất ở Việt Nam quá đắt so với thế giới, tham quan trường đua các nước, tôi nghĩ tại sao không lồng ghép các loại hình khác nhau cho hiệu quả.

Trường đua này lớn gấp 30 lần sân vận động Thống Nhất, nếu sau này vận dụng có thể khai thác từ 10-20 loại hình khác nhau, kết hợp giữa trên bờ, dưới nước, cùng một bến du thuyền, tạo thành quần thể giải trí, thể dục thể thao. Tôi cố gắng kịp khai trương vào 1/5/2017. Sau một năm đi vào thực hiện dự kiến trường đua với 20 ngàn chỗ ngồi sẽ thu hút 3-5 triệu khách/năm.

Nếu chưa có đất đai, phải đầu tư ít nhất 100 triệu USD, nội tiền đền bù giải tỏa cũng chết rồi. May mình có đủ hết về hạ tầng cơ sở, chỉ làm sân đua mà còn tốn kém không dưới 1000 tỷ. Về mặt con người, ban đầu sẽ phải thuê nguồn nhân lực chuyên nghiệp từ Philippines và Malaysia để điều hành trường đua, từ đạo diễn, quay phim… thật sự nhân công của họ rẻ hơn mình nhiều lắm.

Sau những ồn ào kiện thưa về thuế, về đất đai khiến ông buồn chán, có lúc tưởng chừng phải đóng cửa Đại Nam… vì sao ông lại tiếp tục đầu tư một trường đua với kinh phí lớn như thế? Ông có phải vay mượn thêm từ bên ngoài?

Tôi đã thề nếu còn vay ngân hàng thì trời tru đất diệt, nhờ thế mình được thảnh thơi, đi chơi 8 năm nay. Trước đây, mỗi lần đi chơi, không làm gì, tôi cảm thấy giống như có tội với đất nước, nhưng nhờ những nghịch cảnh xảy ra nên tôi mới đi chơi được. Thôi, giờ tôi đã phát tâm phát nguyện rồi, có sức khỏe, có tiền để làm đền thờ cho người dân. 18 ngôi đền này về sau sẽ dát vàng hết 2.000 tượng phật.

Làm từ thiện hay xây đền đều không được phép vay mượn ai, cũng không được phép quyên góp của người dân, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, không bị áp lực về tài chính. Cố gắng làm hoàn thiện từng cái để tránh về sau phải đập phá….

Làm ngày làm đêm bất chấp nắng mưa, tôi quy định không được phép nhận công đức, mọi người đi vào không tốn tiền. Tôi làm tổ yến, thu nhập đủ chăm sóc đền, mỗi năm khoảng 600-700 kg, 10 năm sau khoảng 5 tấn yến, đâu phải quyên góp ai.

Toàn bộ doanh thu của trường đua cũng không dùng cho bản thân, mà để phục vụ cho nơi thờ tự và dành hết cho quỹ từ thiện Hằng Hữu, tên của con trai, để dành tiền mổ tim cho các cháu. Mổ tim tốn tiền nhiều lắm.

Từ khi nào một người rất giỏi kinh doanh như ông lại hướng về tâm linh?

Từng tham gia quân đội rồi chuyển qua công an, do cuộc sống quá kham khổ, tôi làm lò vôi đầu tiên ở ngay Thủ Dầu Một, lúc đó ai cũng nói tôi khùng. Tên “Dũng Lò vôi” có từ năm 1983, tôi làm ăn rất phát đạt.

Về Thành Lễ khi công ty này đang trên bờ vực phá sản, đưa công ty vực dậy, phát triển, tôi lại rời đi lập công ty gia đình Hoàng Gia, là Đại Nam bây giờ. 1997 tôi cũng là người đầu tiên làm khu công nghiệp Bình Dương phát triển mạnh.

Nhưng rồi tôi thấy tiền bạc chỉ là phương tiện duy trì sự sống, không phải cái tôi đi tìm. Cái tôi đi tìm sâu xa hơn, màu nhiệm hơn, trên nền tảng thánh thiện mới tìm được nó. Tôi đã quyết định dừng lại, và suốt 10 năm trời xây dựng Đại Nam, quyết tâm để lại cho đời một khu du lịch tâm linh.

Mỗi bước ngoặt cuộc đời ai cũng nói tôi khùng! Nhưng tôi mơ đến một ngày nào đó đất nước này sẽ lấy chỉ số hạnh phúc để đo chỉ số quốc gia, chứ không phải chỉ số GDP.

Nhìn những gia đình nông dân khi chưa được đền bù đất đai sống với nhau rất hạnh phúc, mặc chung cái quần cái áo. Nhưng khi có tiền rồi tiêu xài phung phí, hạnh phúc mất đi, tôi rất đau lòng. “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta/ Lấy phúc đức làm của, phúc theo ta suốt đời”.

Bao nhiêu năm làm kinh doanh, tôi hiểu chết có mang theo gì đâu, nên biết dừng lại sớm, không chiếm hữu. Dâng hiến hết cho xã hội, tôi chuẩn bị kể cả khi nhắm mắt sẽ đem tro rải xuống biển, không mang theo cái gì.

Ông Huỳnh Uy Dũng: Giàu hay nghèo đích đến vẫn là mưu cầu hạnh phúc - Ảnh 1.

"Mỗi bước ngoặt cuộc đời ai cũng nói tôi khùng!", ông Dũng chia sẻ.

Từng là doanh nghiệp “con cưng” của Bình Dương, lại bị chính quyền làm khó, rồi lại được giải oan, ông có buồn nhiều không?

Tôi hiểu những uẩn khúc của cuộc đời chính là may mắn, và cảm ơn nghịch cảnh, nếu không có cú sốc đó tôi đâu biết dừng lại, tiếp tục vay nợ đầu tư thì giờ này mang nợ rồi. Những oan trái của mình là tội lỗi nhiều đời, tạo oan trái cho người khác, mình cứ trả đi.

Cái gì may mắn đến với mình thôi là phúc đức kiếp trước, tôi không giận hờn ai, mà cảm ơn người làm mình không vui, chính họ giúp mình sửa đổi. Khi đã ngộ ra mình là học trò của Phật, phải hiểu tất cả mọi người sinh ra trên đời đều có số mạng, là luật nhân quả, cái gì không may mắn cũng là quả tội lỗi của kiếp trước, khi được trả nhẹ đi phải mừng, nếu ăn miếng trả miếng sẽ ôm mãi nghiệp chướng đó.

Vì sao ông không nhờ đội ngũ kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu lịch sử để góp ý xây dựng Đại Nam Văn Hiến, mà lại tự mình làm hết? Ông có sợ mình sẽ phạm sai lầm về lịch sử, về thẩm mỹ?

Tôi có nguyên tắc câu chữ gì đã có trên thế gian không được phép vay mượn ai cho vào đây. Trời Phật giống như khai sáng cho mình để mình biết cách làm, từ mỹ thuật, kiến trúc, khi mình nhất tâm mở cái tuệ ra. Câu chữ cũng vậy, tự nhiên trong đầu trổ ra, không tham vấn nhờ cậy ai hết, giống như một điều kỳ diệu.

Tôi viết cả quốc sử cho đất nước bằng thơ. Thường người ta viết chiều dài lịch sử, ít ai viết chiều ngang, luận về đúng sai của một nhân vật, một triều đại, có như thế thì con cháu mới học được của đời trước. Viết với tôi thật sự là duyên phận, khi buông bỏ, làm được lời thề, chứ còn lăn tăn thì đầu không định tâm.

Để xây dựng con đường tâm linh cho người dân, mọi người dân Việt Nam sẽ là trụ trì vun đắp cái hồn nơi đây. Từ câu chữ, nơi thờ tự phải không liên quan đến tiền bạc. Ngoài xe đưa đón miễn phí, thắp hương sẵn sàng, có nước trà nước suối miễn phí… còn có một chi tiết rất nhỏ là đôi vớ chồng vô đôi giày.

Vì nếu để giày dép bên ngoài chỗ công cộng rất dễ mất, nhất là phụ nữ thường có giày đẹp, vào thắp nhang cho ông bà tổ tiên mà phải lo lắng đôi giày bên ngoài thì tâm động ngay. Tâm càng lương hảo linh càng hiển linh.

Gần đây một số doanh nhân cũng hướng về tâm linh, đi theo đạo Phật, nhưng làm thế nào để không sa vào mê tín dị đoan?

Đạo Phật là khoa học, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, người đi theo học Phật giống như người đi tìm sự thật. Dấn thân vào con đường tâm linh rất dễ nhầm lẫn, ông Phật không làm thay cho mình đâu. Con đường đó để khai mở trí tuệ, không phải mê tín dị đoan, nhưng lúc đầu tôi cũng bị vướng vô mê tín dị đoan, phải tu tập, giống như sửa mình.

Thứ hai phải xác định tiền bạc vật chất không phải là tất cả. Kinh tế chỉ xác định mức sống con người thôi, còn đạo đức quyết định thịnh suy, đừng cầm đồng bạc khiến ai rơi nước mắt. Trong lịch sử đền bù đất đai của tôi ở khắp nơi, chưa có nơi nào người dân oán than cả. Con người phải nương nhau để sống, ta có lời người có lài, thôn tính là tư tưởng kinh doanh bá đạo.

Nếu hôm nay mình dùng tri thức để móc túi người ta thì ngày mai mình sẽ bị lấy lại. Tôi không dám chỉ trích ai, ngay trong gia đình. Tu tập là tự nguyện, không chấp, không đụng chạm ai, không một mất một còn, mà đặt phúc đức trên hết.

Làm thế nào ông có thể viết hơn 20 cuốn sách về lịch sử, tâm linh?

Tôi viết sách chưa có nhà xuất bản nào sửa một chữ. Tôi kém may mắn trong con đường học hành, sinh ra ở miền Trung, 18 tuổi đi bộ đội, chưa học qua trung học, mọi sự biết của tôi đều nhờ suy ngẫm, sửa đổi, thực hành bản thân.

Ông Huỳnh Uy Dũng: Giàu hay nghèo đích đến vẫn là mưu cầu hạnh phúc - Ảnh 2.

"Nhiều người ngăn cản tôi sao để tiền hết cho con. Mình cho con để hình thành quỹ từ thiện, để con có nền tảng từ nhỏ đã cứu hàng vạn trẻ em rồi", ông Dũng nói.

Để đến với cuộc hôn nhân lần thứ hai, ông cũng đã phải vượt qua nhiều nghịch cảnh?

Tôi viết “Con đường hạnh phúc” khi con trai tôi tròn 1 tuổi. Hạnh phúc lứa đôi cũng là duyên nợ, khi hết duyên thì đừng làm khổ nhau. Đi vào tâm linh không phải không có vợ con, trong Tứ bất tử có tình yêu nam nữ. Câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung là tình yêu tri kỷ.

Sức tôi đẩy 10 kg, Trời Phật có đoạn giao tới 12 kg, bà xã tôi giống như sứ mạng đến giúp tôi đẩy 12 kg nhẹ nhàng. Bà xã cách tôi một con giáp, sinh ra Hằng Hữu. Trong những lúc sóng gió vợ chồng luôn gắn bó. Kể cả lời thề không đi vay mượn, vợ tôi đã khóc suốt cả tuần năn nỉ tôi thực hiện lời thề đó, để được thanh thản, và tôi đã đồng ý.

Ở tuổi này, khi bước vào dự án lớn ông có sợ?

Hồi xưa còn trẻ thì có, nhưng từ khi gặp bà xã thì không còn sợ nữa. Hai vợ chồng ngồi lại với nhau, thôi đừng học Tây Tàu gì hết, hãy học ông cha tổ tiên mình, nhà trồng luống rau, thả mấy con gà con vịt, trong nhà có cái bồ lúa, được mùa lấy lúa mới bỏ vô, mất mùa lấy lúa cũ ra ăn… coi nhẹ lẽ tử sinh, cuộc sống đạm bạc nhưng con cái đàng hoàng. Còn bây giờ khi xã hội quá nhiều tiền, anh em cấu xé nhau, giống như đánh đổi.

Vợ chồng tôi học lại tổ tiên mình, nhà có cái bồ lúa lỡ mất mùa có lúa cũ ăn, rất nhẹ nhàng, dân Mỹ mượn gạo nấu cơm, chết đi ra nghĩa địa. Không có gì hơn tự cường. Còn tối ngày mượn gạo nấu cơm, mất mùa thì "banh xác".

Khi quyết định trao hết tài sản cho con trai Hằng Hữu, ông có lo ngại những người con của vợ trước sẽ so đo?

Các cháu có đời sống khác, tôi cũng thành lập công ty cho các cháu, và các cháu đang điều hành tốt. Để lại nhiều tiền cho con có khi là họa chứ không phải là phúc đâu.

Hằng Hữu, con trai út của tôi ăn nước tương không à, không vướng bận như mình. Tôi thấy mừng lắm, ăn chay không sát sinh theo con đường tu tập cũng nhẹ nhàng hơn. Mỗi năm tôi đều in sách tặng con trai làm tài sản.

Nhiều người ngăn cản tôi sao để tiền hết cho con. Mình cho con để hình thành quỹ từ thiện, để con có nền tảng từ nhỏ đã cứu hàng vạn trẻ em rồi. Cháu ăn nước tương rồi thì còn mưu cầu gì nữa. Hằng Hữu là còn mãi.

Vậy ông chia sẻ điều gì với những người trẻ khởi nghiệp?

Dù mới khởi nghiệp hay khởi nghiệp đã lâu, sự thông minh không tồn tại với kẻ vô đạo đức, hãy nương nhau mà sống, đừng dùng bá đạo. Người giàu hay nghèo cuối cùng là để mưu cầu hạnh phúc. Vật chất là phương tiện để mình tạo phúc đức hay tội lỗi mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại