Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Thái độ hơn Trình độ’ là câu nhảm nhí, Trình độ không đủ thì bạn bị loại từ vòng gửi xe rồi!

Bình An |

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng ít nhất các bạn trẻ phải có Trình độ, tức có năng lực, phẩm chất để vượt qua ‘vòng gửi xe’ đã, rồi mới có thể bàn đến chuyện Thái độ.

Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Thái độ hơn Trình độ’ là câu nhảm nhí, Trình độ không đủ thì bạn bị loại từ vòng gửi xe rồi! - Ảnh 1.

Chia sẻ với các bạn sinh viên mới đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường - trường Đại học FPT - chia sẻ có một câu người ta hay nói, mà ông cho rằng “tương đối nhảm nhí”. Đó là câu “Thái độ hơn Trình độ”.

“Ý của câu đó nói rằng nếu có Thái độ tốt thì sẽ được đánh giá cao hơn Trình độ. Đừng nghe câu này”, ông nhắn nhủ giới trẻ.

“Tôi muốn nói lại rằng: Trong những người có đủ Trình độ, ai có Thái độ tốt sẽ được đánh giá cao hơn. Chứ còn Trình độ không đủ thì quên đi, bị loại từ vòng gửi xe rồi. Khi nghe các bạn phải nghe hết tất cả như vậy”.

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng ít nhất các bạn trẻ phải có Trình độ, tức có năng lực, phẩm chất để vượt qua ‘vòng gửi xe’ đã, rồi mới có thể bàn đến chuyện Thái độ.

Một câu khác ông Tiến cũng cho là nhảm nhí mà mọi người hay nói - “Hãy là chính mình!”

“Một cái chính mình ấy là gì? Sáng nào cũng dậy muộn, bố mẹ gọi rất nhiều lần mới dậy”.

“Là chính mình là gì? Là ngày mai thi, đêm nay mới ngồi học. Là chính mình là luôn luôn lười biếng, ngày hôm nay có cảm hứng thì chạy 5km, ngày mai hơi mệt, thôi không chạy nữa, và có thể không bao giờ chạy nữa”, ông Tiến nói.

Nếu chính mình là người rất lười biếng, tinh thần tự giác kém, hôm trước đặt mục tiêu học tiếng Anh 1 tiếng mỗi ngày, nhưng hôm sau đã từ bỏ, vậy là chính mình để làm gì?

“Tôi mong các bạn học để làm sao trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, mỗi ngày!”, ông Tiến chia sẻ.

“Xuyên không” về ngày cuối cùng trong đời để hoạch định tương lai

Chia sẻ về phương pháp xác định lộ trình cho tương lai, ông Tiến ví von, để hình dung cho rõ và hiểu rõ cần làm gì cho hiện tại, rất nhiều người thành công đã làm một bộ phim“xuyên không” đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Thái độ hơn Trình độ’ là câu nhảm nhí, Trình độ không đủ thì bạn bị loại từ vòng gửi xe rồi! - Ảnh 2.

Ở thời điểm đó, điều họ hối tiếc nhất là những việc chưa làm, chứ không ai hối tiếc việc đã làm rồi. Và vì vậy, họ có động lực sống cuộc sống của chính mình, chịu trách nhiệm với bản thân mình.

Còn cuộc “xuyên không” của các bạn genZ có thể ngắn hơn – 10 năm, 5 năm, 3 năm... tại từng thời điểm đó, các bạn hãy hình dung xem mình là ai, sẽ có được gì trong công việc, trong đời sống... Trong tương lai ấy, hãy nhìn lại hiện tại và hoạch định xem với mỗi mục tiêu đó, mình cần phải làm những gì.

“Khi đặt câu hỏi 5 năm kể từ ngày hôm nay, mình sẽ là ai, các em sẽ định hình được mình cần làm gì trong 5 năm nữa, trong 3 năm nữa, trong 2 năm nữa, và vào ngày mai, để tương lai thành hiện thực”, ông Tiến cho biết.

Thực tế khi hoạch định tương lai, trong quá trình thực hiện chúng ta sẽ gặp khá nhiều biến số. Trước những biến cố tiêu cực làm cho cuộc đời rẽ lối, chính sự kiên định theo đuổi ước mơ sẽ làm chúng ta không đầu hàng thất bại.

“Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai của bản thân. Hãy mong muốn rõ mình ước mơ gì, sẽ đạt được điều gì, sau đó lùi lại từng bước một để thực hiện ước mơ đó bằng hành động mỗi ngày”, ông Tiến cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại