Để làm được điều này, ông gây tổn thương người khác, thậm chí tổn thương chính mình khi giữ chữ tín và sự nghiêm minh của pháp luật trong thực thi công vụ.
Cái giá phải trả của những người đi theo đường lối pháp trị là không hề nhỏ, nếu cần họ phải thực thi pháp luật một cách nghiêm khắc nhất ngay cả với người thân của mình. Trên con đường thực thi công vụ họ chỉ có hai chữ pháp luật.
Quan pháp trị
Hình ảnh những ông quan pháp trị thường không được thân thiện với số đông, trái với mong muốn "đức trị" của đại đa số người dân.
Nói cách khác, người dân mong muốn một ông quan vừa nghiêm minh vừa nhân ái vừa chính trực vừa bao dung, ông dùng pháp luật để trừng trị kẻ ác và dùng đức để cảm hóa lòng người…
Ông Hải thực thi nhiệm vụ với nguyên tắc trước pháp luật, mọi người đều công bằng. Ông đã phá dỡ tất cả những gì được cho là lấn chiếm vỉa hè, bao gồm cả công trình nhà nước, doanh nghiệp cỡ lớn, đến các bậc thềm của hộ kinh doanh.
Ông Hải cho đập cả bốt gác của Ngân hàng nhà nước, tháo dỡ mái che của Sài Gòn Center và mới đây nhất là bậc thềm Rạp hát Công nhân.
Lực lượng chức năng quận 1, tháo dỡ hai bậc thềm lấn chiếm vỉa hè trước rạp Công nhân vào tối 22/3.
Ông nói thẳng với nhà đầu tư: Rất trân trọng tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, nhưng phải đặt lợi ích của người dân thành phố lên hàng đầu, chưa nói đến kỷ cương phép nước nữa… Hôm nay, chúng tôi không thể nhân nhượng được nữa, toàn bộ kinh phí tháo dỡ 50 triệu tập đoàn chịu trách chi trả.
Ông Hải cho tháo gỡ luôn trụ sở của Khu phố 3 (phường Tân Định). Câu nói của ông: Mình làm nhà nước, mình phải làm gương, căn cứ vào lộ giới này xử lý ngay" bộc lộ rất rõ tư duy pháp trị.
Với ông không có khái niệm nhân nhượng, nếu đã bị coi là vi phạm thì sẽ bị tháo gỡ (duy chỉ có một trường hợp là bị lập biên bản nhưng không tháo gỡ do công trình lấn chiếm là nhằm phục vụ một người phụ nữ già yếu bị bệnh).
Ở vào vị thế, trách nhiệm và cả tư duy "quyết giành vỉa hè cho người đi bộ", "không giành lại vỉa hè tôi cởi áo từ quan" ông Hải buộc phải làm như vậy, ông không có đường lùi.
Đúng hơn, trước "trận chiến vỉa hè", ông chỉ có đường tiến lên làm triệt để, nghiêm khắc, lạnh lùng thực thi công vụ.
Nhưng đi kèm theo đó là hình ảnh một ông quan "đằng đằng khí thế", thị sát phố phường và phá tất những gì được cho là lấn chiếm vỉa. Trong tiềm thức, dù ban đầu rất nhiều người ủng hộ, nhưng trong thâm tâm nhiều người Việt Nam khác lại vốn không thích hình ảnh như vậy.
Ông Hải có thể giữ được cường độ làm việc như thế này bao nhiêu lâu nữa? Sau ông Hải sẽ là ai? Và các thành phố ra quân dọn dẹp vỉa hè có duy trì được tiến độ, sự nghiêm khắc lạnh lùng như ông Hải quận 1?
Thỏa ước cộng đồng
Vỉa hè đem lại lợi ích (lợi nhuận) cho hàng triệu con người, trong đó cả những gánh hàng rong miếng cơm manh áo, học phí tới trường của con trẻ; những ông chủ hiệu, chủ shop; chủ doanh nghiệp, những bà chủ quán nhậu, thậm chí cả cán bộ phường, dân phòng…. Tất nhiên là bao gồm cả người tiêu dùng trong nền thương mại vỉa hè (nói như tiến sỹ Giang Lê là kinh tế mặt tiền).
Và liệu chăng có một hướng đi hợp lý để đến cái đích cuối cùng là đô thị văn minh, vỉa hè sạch đẹp?
Vỉa hè là tài sản công, dành cho cộng đồng - cư dân đô thị. Giữ vỉa hè cho người đi bộ, giữ vỉa hè cho sạch đẹp văn minh cũng là trách nhiệm của cộng đồng, của những hộ sống nhờ vỉa hè.
Vậy thì hãy trao cho cộng đồng - du khách cùng chung trách nhiệm giám sát để có một vỉa hè mà rộng hơn là đô thị văn minh, sạch đẹp. "Tai mắt, bộ não" cộng đồng sẽ thính nhạy, công minh và thông minh nhất.
Thay vì đơn thuần là biến người bán hàng rong thành người bán hàng online (như có người muốn làm), chúng ta có thể tính một thỏa ước cộng đồng giữa hộ kinh doanh, người bán hàng rong với cư dân, du khách.
Lợi ích kinh doanh của hộ sinh sống trên vỉa hè, người bán hàng rong được bảo vệ thông qua đấu thầu và giấy phép kinh doanh. Ngược lại, họ có trách nhiệm nộp lệ phí (theo Luật phí và lệ phí năm 2015, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017), giữ sạch vỉa hè, thân thiện với người đi bộ cũng như chịu giám sát của xã hội.
Cộng đồng sử dụng trách nhiệm và cả những công cụ (phần mềm) internet để chấm điểm vỉa hè, văn minh đô thị, giám sát các hộ kinh doanh vỉa hè.
Khi đó chính quyền sẽ đóng vai trò bảo hộ, thực thi pháp luật, nắm vị thế trọng tài để điều hòa xung đột lợi ích giữa người đi bộ với hộ kinh doanh vỉa hè.
Qua chấm điểm (phản ảnh) của cộng đồng, du khách, bất cứ một hành động xây dựng lấn chiếm vỉa hè, hoặc xả rác đều bị nghiêm trị, thậm chí cấm kinh doanh và đem đấu thầu lại.
Phó thác toàn bộ trách nhiệm giành lại vỉa hè, giữ sạch vỉa cho riêng phía chính quyền e sẽ làm cho những ông Hải dần trở nên cô đơn.
Nếu biết tập hợp sức mạnh của nhiều thành phần xã hội cùng hiến kế, quản lý, giám sát vỉa hè, thì chắc chắn vỉa hè ấy vừa làm đẹp phố thị vừa mang lại kinh tế, sự hài lòng cho nhiều người.