Ông Dương Trung Quốc: Cần truy trách nhiệm chính quyền trong vụ tòa "gai bê tông" trên đèo Mã Pì Lèng

Hoàng Đan |

Theo ông Quốc, trong vụ viêc liên quan đến công trình 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng, việc đầu tiên là phải xem xét, truy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc cơ quan quản lý Nhà nước

Công trình nhà hàng, khách sạn cao 7 tầng, lấy tên Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) được xây dựng trái phép và như một "gai bê tông" tại đây đang gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với PV vào chiều 7/10, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH khóa 14) cho biết: "Trong vụ viêc liên quan đến công trình ở đèo Mã Pì Lèng, tôi cho rằng, việc đầu tiên là phải xem xét, truy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.

Trong vụ việc này, từ tầm nhìn cho đến vấn đề thực thi pháp luật nếu làm đúng sẽ đỡ cho dân rất nhiều kể cả những người đã xây sai", ông Quốc nói.

Nhà sử học cho biết thêm, bản thân ông đã đọc một số bài báo viết về vụ việc và thấy các vị lãnh đạo địa phương đều rơi vào tâm thế rất mong muốn thu hút đầu tư.

"Điều đó không sai nhưng mong muốn thu hút đầu tư để rồi bất chấp tất cả quy định của pháp luật trong việc chưa chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng, chưa hề có giấy phép xây dựng... là không được và việc gây phản cảm nhất ở đây là thiết kế thi công.

Tôi cho rằng, việc đầu tiên phải xử lý trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Còn người dân luôn mong muốn tìm cái lợi và nếu có sự quản lý tốt của Nhà nước, người dân sẽ tìm được cái lợi phù hợp với lợi ích chung của xã hội.

Rõ ràng, ở đây, người dân có cái lợi nhưng cái lợi này đã gây tác hại xấu tới dư luận xã hội", ông Quốc bày tỏ.

Ông Dương Trung Quốc: Cần truy trách nhiệm chính quyền trong vụ tòa gai bê tông trên đèo Mã Pì Lèng - Ảnh 1.

Khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng

Ông Quốc nhìn nhận, thực tế, ở khu vực này rất cần một chỗ để khách du lịch có thể ngắm với đầy đủ tiện nghi, an toàn và nếu khai thác dịch vụ được cũng tốt.

"Tôi có kiểm tra và Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trả lời chính thức là tòa nhà này không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích nhưng ở đây, rõ ràng, kiến trúc của công trình đã gây phản cảm.

Cho nên hướng sắp tới, đứng về góc độ thuần túy xây dựng thì vấn đề xây sai phải tháo dỡ cần phải đưa ra.

Nhưng cũng cần tạo ra một kiến trúc nào đó phù hợp nhằm giúp du khách có thể đứng ngắm cảnh mà không ảnh hưởng đến dáng vẻ hoang sơ của khu vực. Vấn đề này tùy thuộc tài của các nhà kiến trúc.

Nếu tìm được một giải pháp kiến trúc tốt thì sẽ vừa có được sản phẩm du lịch để khách đứng ngắm đồng thời, không gây phản cảm về mặt không gian thắng cảnh...", ông Quốc nêu.

Cần làm rõ "câu chuyện gì đó giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước"

Trước câu hỏi, cá nhân ông có đồng tình với ý kiến cho rằng, nên phá bỏ công trình nhà 7 tầng này, trả lại cảnh quan cho khu vực không? Ông Dương Trung Quốc cho hay, việc phá bỏ hay không sẽ do các cơ quan quản lý Nhà nước quyết định cụ thể.

"Nhưng đầu tiên phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm hàng đầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Thứ 2 phải làm rõ trách nhiệm của chủ nhân khi làm bất chấp pháp luật, tức là chưa được cho phép đã làm.

Đằng sau đó là câu chuyện gì đó giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải được làm rõ", ông Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp tục nêu quan điểm của bản thân về việc bảo tồn không có nghĩa tất cả để hoang sơ, hoang dã mà ở một số chỗ con người cũng có thể đưa vào sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, sản phẩm đó phải "đúng phép tắc và có vai trò của các nhà chuyên môn để tạo ra không gian thích hợp, giảm thiểu tối đa tác động xấu, không phù hợp với di tích, thắng cảnh".

Trả lời báo chí, bà chủ Mã Pì Lèng Panorama Vũ Ngọc Ánh cho rằng, "nếu như công trình bị thu hồi, tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế" và "sẽ cho mìn nổ tung"...

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, cá nhân ông không bình luận gì về ý kiến của bà chủ Mã Pì Lèng Panorama bởi người trong cuộc sẽ có những tâm trạng riêng.

"Nhưng rõ ràng, suy cho cùng tâm trạng này chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước ngăn chặn ngay từ đầu hay hướng dẫn họ làm cách phù hợp pháp luật chắc sẽ không như bây giờ.

Đây là bài học cho nhà đầu tư khi tưởng vượt qua được nhưng lại bị dư luận xã hội lên án và tạo sức ép mà Nhà nước rất khó bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư...", ông Quốc bày tỏ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại