Ông Dương Công Minh: Tôi khẳng định có thể giúp Sacombank đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ trong năm nay

Trần Thúy |

Nói về lợi nhuận ngân hàng Sacombank trong năm 2017, ông Minh cho khẳng định, có thể giúp ngân hàng đạt gấp đôi mức lợi nhuận mà Hội đồng quản trị đã đề ra trong năm nay.

Sau bao nhiêu chờ đợi, cuối cùng, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015-2016 của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã được diễn ra vào sáng ngày 30/6.

Và cũng sau nhiều đồn đoán, nhân vật được lựa chọn ngồi vào “ghế nóng” ngân hàng cuối cùng đã được xác định – ông Dương Công Minh , cựu Chủ tịch ngân hàng Liên Việt và là Chủ tịch tập đoàn Him Lam.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, ông Minh được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho Sacombank, giúp ngân hàng nhanh chóng thực hiện đề án tái cơ cấu, giải quyết triệt để nợ xấu, vốn tồn đọng phần lớn ở các bất động sản.

Trả lời VTV về quyết định tham gia vào Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, do Sacombank là định chế tài chính cổ phần tư nhân lớn nhất trong hệ thống ngân hàng cổ phần tư nhân Việt Nam, thương hiệu Sacombank cũng là thương hiệu lớn nhất trong các thương hiệu ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam, do đó, ông quyết định chuyển từ LienVietPostBank sang Sacombank.

Nói về lợi nhuận ngân hàng Sacombank trong năm 2017, ông Minh cho khẳng định, có thể giúp ngân hàng đạt gấp đôi mức lợi nhuận mà Hội đồng quản trị (HĐQT) đã đề ra trong năm nay.

“Tôi cũng vừa lần đầu được tiếp xúc các số liệu do HĐQT vừa báo cáo, trong đó HĐQT có lên kế hoạch lợi nhuận năm nay đạt hơn 500 tỷ đồng. Tôi khẳng định sẽ đưa lợi nhuận trong năm của ngân hàng lên hơn 1000 tỷ. 

Để đạt được kết quả như vậy, ngân hàng sẽ phải tăng cường công tác xử lý nợ, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và quan trọng nhất là xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý, sắp xếp lại nhân sự và quản trị chi phí”, ông Dương nói.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, thu nhập thuần từ lãi kỳ này của Sacombank chỉ đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 15% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác của ngân hàng lại đạt kết quả khá khả quan khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 22,4%, đạt 383 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 147 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. 

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng được cải thiện khi lãi hơn 6 tỷ đồng, so với mức lỗ 1,6 tỷ đồng trong quý I/2016.

Chi phí hoạt động kỳ này được tiết giảm khi giảm 5,9%, xuống 1.378 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng đạt 308,4 tỷ đồng, tăng 24% so với quý I/2016.

Trong khi đó, kỳ này, Sacombank còn được hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro 970 triệu đồng, theo đó, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế tăng vọt 55,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 309 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2017, cho vay khách hàng đạt mức 206,39 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,8% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên 303 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng đến cuối tháng 3 đạt 344,4 nghìn tỷ đồng tăng nhẹ 3,3% so với đầu năm.

Sacombank có 10.083 tỷ đồng nợ xấu, giảm 560 tỷ đồng, tương đương 5,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn cũng giảm 469 tỷ đồng, còn 6.602 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý ở mức 4,89%, so với mức 5,35% hồi đầu năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại