Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, ông Dương Công Minh vừa cho biết, tính đến hết năm 2017 ngân hàng này đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu.
Để đạt được con số 19.000 tỷ đồng mà hơn 15.000 tỷ đồng trong số đó là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Sacombank đã phải “chạy đua với thời gian”, áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Cụ thể bao gồm thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.
Được biết, riêng việc tổ chức bán đấu giá công khai ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III Long An với giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng vào giữa tháng 12/2017 vừa qua đã đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho kết quả xử lý nợ xấu của Sacombank.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho việc bán đấu giá các tài sản trên nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ tốt nhất cho Sacombank.
Các tổ chức tham gia đấu giá đều nhận định đây là các bất động sản rất có tiềm năng về đầu tư và không dễ tìm được các quyền sử dụng đất diện tích lớn và tập trung như vậy trên địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, một khi được khai thác tốt, các tài sản có khả năng mang lại nguồn thu lớn.
Trên thực tế, chúng tôi không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là Sacombank bán ngay. Nhiều khoản nợ xấu từ vài tỷ đồng, vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất đã được thanh lý.
Trong bộ máy tổ chức, Khối xử lý nợ hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần” – ông Minh nói với chúng tôi.
Trước đó, ngày 28/09/2017, Sacombank và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị Quyết 42 của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, hai bên đã xem xét các khoản nợ để Sacombank bán cho VAMC theo giá thị trường, nhận về “tiền tươi thóc thật” để kinh doanh sinh lời. Đây cũng là một thuận lợi để Sacombank đạt được kết quả xử lý nợ xấu như kế hoạch. Trong năm 2017, Ngân hàng đã bán nợ 2.600 tỷ đồng cho VAMC theo giá thị trường.
Năm 2018, Sacombank mục tiêu sẽ xử lý được giá trị nợ xấu ít nhất tương đương với số nợ đã xử lý trong năm 2017.
Ông Minh cho rằng, xử lý nợ không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng, năng động, quyết tâm của Ngân hàng, mà còn phụ thuộc vào cả biến động thị trường bất động sản, thị trường tài chính, nhưng với các chỉ số kinh tế vĩ mô đã và đang tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, việc tháo gỡ nợ của Sacombank sẽ thuận lợi.
Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích xử lý trong vòng 5 đến 7 năm, còn Sacombank nỗ lực hoàn tất cơ bản xử lý nợ xấu trong 3 đến 5 năm. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, hiện đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.
“Chúng tôi hiểu xử lý nợ xấu chưa bao giờ dễ dàng, kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng khó.
Chính vì thế, chúng tôi đang và sẽ điều hành, quản lý ngân hàng minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, sao cho có lợi nhất cho cổ đông” – ông Dương Công Minh khẳng định về định hướng cho Sacombank trong năm 2018.