Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra yêu cầu này khi thực hiện dự án quy hoạch chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch quận 8, tại cuộc họp vào sáng 23-5.
“Chúng ta muốn dân đi thì phải có nhà để người ta đi” - ông Thăng lý giải.
Trước khi vào cuộc họp tại Quận ủy quận 8, ông Thăng đã có chuyến khảo sát nhà ven kênh rạch từ Q.4 qua Q.8 trong gần một giờ.
Trên canô, ông đã có cuộc trải nghiệm có lẽ hơn rất nhiều những trang báo cáo khi chứng kiến cuộc sống tạm bợ, ô nhiễm của hàng chục ngàn cư dân ven các dòng kênh.
Khi đi vào một căn nhà trên kênh Đôi, lớp ván gỗ rung lên bần bật, nhiều người dân đã lo lắng chạy tới kêu: “Ông bí thư và mấy chú đi từ từ, coi chừng sàn sập”.
Tại khu dân cư trên kênh và ven kênh thuộc đường Phạm Thế Hiển, Bí thư Thành ủy đã tự mình làm một cuộc khảo sát nhỏ, và tất cả người dân được ông hỏi đều trả lời nếu TP bố trí được nơi ở mới thì bà con sẵn sàng.
Theo báo cáo của ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông đô thị tại cuộc họp sau đó, thì dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch cho hơn 9.500 hộ dân, với hơn 32.000 nhân khẩu của Q.8 đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến đến năm 2023 mới hoàn tất.
Lý do vướng nhiều thứ về thủ tục, quy định và nguồn vốn. Tuy nhiên, Bí thư Thăng không đồng ý, ông ra thời hạn: “4 năm nữa dự án này phải xong!”.
Xong bằng cách nào? Ông Đinh La Thăng gợi mở: “Không phải luồn lách gì về luật cả. Cứ giao cho doanh nghiệp, cho chủ đầu tư thực hiện dự án doanh nghiệp sẽ vay và họ trả, kể cả bao gồm vay nước ngoài”.
Theo ông Thăng, cách làm này sẽ giúp không bị tăng nợ công, vấn đề là lựa chon nhà đầu tư nào phù hợp.
Tiếp tục đưa ra phương án, ông Thăng đề nghị việc đền bù giải tỏa này sẽ được gắn với quyền khai thác quỹ đất.
Đồng thời thay vì chỉ giải tỏa trong phạm vi nhà ven kênh rạch, sẽ giải tỏa rộng ra, tạo thêm quỹ đất để nâng giá trị khi dự án hoàn tất. Ngoài con đường ven kênh hiện hữu sẽ có thêm con đường lớn song song.
Bí thư Thành ủy cho rằng với cách làm như vậy thì 4 năm là có thể xong.
Theo ông, làm táo bạo như vậy thì không chỉ giải quyết được vấn đề đầu tư mà giải quyết cả chuyện môi trường, kẹt xe, ngập nước, cải trang đô thị… đều là những chương trình đột phá của TP.
“Các anh phải thay đổi tư duy đi, phải từ bỏ cách làm không thị trường. Làm càng lâu thì dân càng khổ mà lại càng đắt.
Các anh muốn làm nhanh thì hãy nghĩ đến người dân đang sống ô nhiễm, cơ cực trên trên kênh rạch là làm được” - ông Thăng nói.
Dự án để phục vụ dân, không phải để chi tiền
Tại cuộc họp, Bí thư Đinh La Thăng hỏi ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập nước: "Có bao nhiêu người dân quận 8 đang bị ảnh hưởng bởi ngập nước?".
Tuy nhiên ông Công không trả lời được, ông cho rằng chỉ có thể xác định được lưu vực, chứ không xác định cụ thể bao nhiêu người dân vì mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau.
Bí thư Thành ủy không hài lòng, cho rằng phải nắm cụ thể, toàn TP là bao nhiêu, từng quận là bao nhiêu dân bị ảnh hưởng. Có vậy, sau khi giải quyết các dự án mới biết hiệu quả đem lại.
"Mục tiêu bỏ tiền ra để giải quyết bao nhiêu người dân hết ngập, chứ không phải lập dự án ra để chi hết bao nhiêu tiền.
Cứ lập ra dự án để chi tiền, chi hết tiền thì xong dự án, còn giải quyết bao nhiêu cho người dân thì không nói được" - Bí thư Thăng nhắc nhở.