Ông Đinh La Thăng: Phải có đột phá về tiền lương cho cán bộ, công chức!

Nguyễn Cường |

“Cùng với việc yêu cầu chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thì phải có đột phá về tiền lương, thu nhập cho họ” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Chiều ngày 26/9, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác cải cách hành chính (CCHC).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định đây là công tác luôn được Thành ủy và UBND TP triển khai với tinh thần cùng với Chính phủ xây dựng chính quyền vì dân, liêm khiết, kiến tạo và phục vụ.

“TP đang làm với một quyết tâm và khát vọng rất lớn nhằm thực hiện bằng được một chính quyền vì nhân dân phục vụ.

TP sẽ làm nhanh nhất, hiệu quả nhất với quyết tâm và khát vọng cao nhất… cùng tinh thần nói đi đôi với làm, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại thì hết sức tránh” – ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Theo ông Đinh La Thăng, hiện TP đang kiên trì đề xuất với Chính phủ, với Đảng về những đột phá theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có đột phá về tiền lương và thu nhập, trên cơ sở ngân sách của TP.

“Có thể nói khối lượng công việc của anh em công chức, viên chức (tại TP.HCM) gấp vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với nơi khác nhưng tiền lương thì vẫn thế, trong khi yêu cầu về thời gian là phải nhanh, phải đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Họ có thể nỗ lực làm 1, 2 ngày chứ nếu làm liên tục tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác thì rất khó có thể tái tạo được sức lao động” – ông Đinh La Thăng nói.

Lấy ví dụ thực tế trong ngành giáo dục, ông Đinh La Thăng cho rằng hiện nay ở TP.HCM, theo quy định mỗi lớp chỉ có 35 học sinh nhưng thực tế lại thường có từ 50 đến 60 em, trong khi “lương chỉ có thể thôi, thế thì giáo viên không thể sống nổi”.

Ông nhấn mạnh rằng để thực hiện cải cách hành chính thành công không chỉ ở TP.HCM mà còn trên cả nước thì cần phải có đột phá về tiền lương, song song đó là thực hiện xã hội hóa, kiên quyết chuyển dịch vụ công mà doanh nghiệp làm được cho doanh nghiệp, như vậy mới có thể tinh giản biên chế.

Trong khi đó ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định 1 trong 7 chương trình đột phá của TP là CCHC, trong đó tập trung vào cải cách nhanh, khẩn trương các thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ công chức “hết sức tử tế với dân”.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, một trong những mục tiêu của CCHC là nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhằm xây dựng môi trường đầu tư ngày càng tốt để hướng đến mục tiêu năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp.

Ông Phong cho rằng gốc rễ của vấn đề là phải xây dựng chính quyền đô thị thích ứng với đặc thù của đô thị đặc biệt.

Chính vì vậy hiện TP đã giao Sở Nội vụ chuẩn bị một phương án trong đó sẽ phân cấp mạnh cho sở ngành, quận, huyện chủ động giao quyền để khơi dậy tính chủ động trong những cơ quan này.

Ông cũng nêu ra quan điểm rằng phải chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa, vì có như vậy mới giảm được phần lương chi trả của ngân sách và tăng tính chủ động cũng như đảm bảo thu nhập của viên chức nhà nước.

Trước phần báo cáo của UBND TP.HCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu mà TP đạt được, cùng tham vọng đến năm 2020 sẽ thực hiện 100% dịch vụ công cấp độ 4 (thuận tiện nhất cho người dân khi làm các thủ tục hành chính) và liên thông điện tử.

Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn cho rằng TP còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

“Đến tháng 7/2016 TP tinh giản được 129 biên chế là chậm, chưa đạt được tỷ lệ 0,5% theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ.

Hiện nay công chức nhà nước trong lĩnh vực y tế, giáo dục và cả văn hóa phải làm sao từng bước chuyển sang tự chủ để giảm tải cho ngân sách” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu TP.HCM tiếp tục đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp như: đầu tư xây dựng, đất đai, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng… và thực hiện xin lỗi kèm theo lời giải thích cụ thể nếu trả lại hồ sơ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại