Khu đất này trước đây được quy hoạch một dự án khách sạn có tên Lotus do Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, dự kiến có số vốn 500 triệu USD cao 15 tầng.
Tuy nhiên, sau đó thị trường tài chính khó khăn tập đoàn của Nhật đã xin rút khỏi dự án, khu đất này được giao cho Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc –CTCP (KBC) làm chủ đầu tư.
Những năm 2009-2010 thị trường bất động sản còn “nóng”, Kinh Bắc rất kỳ vọng phát triển một dự án tầm cỡ quốc tế, là biểu tượng không những của công ty trong thời hoàng kim mà của cả nước. Họ đã đưa ra 24 phương án thiết kế ấn tượng.
Rất nhiều phương án thiết kế khi đó được KBC đưa ra như chùa Một Cột, bông sen, bông lúa…cuối cùng thì phương án Tổ hợp đa chức năng “bông lúa” - Diamond Rice Flower cao chọc trời đã được lựa chọn.
Khi đó KBC dự kiến sẽ kêu gọi tổng mức đầu tư cho dự án này lên tới 1 tỷ USD.
Dự án do Foster and Partners (Vương quốc Anh) thiết kế với kiến trúc mang hình dáng của bông lúa.
Dự án đã được Bộ Xây dựng chấp thuận điều chỉnh chiều cao 400m và chức năng tổ hợp của tòa nhà.
Công trình đồ sộ này bao gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng.
Tuy vậy, Dự án Diamond Rice Flower sau nhiều năm chuẩn bị thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầu tư thì dính vào giai đoạn thị trường BĐS lao dốc do đó dự án đến nay chưa thể thành hình.
Chia sẻ thông tin về dự án này, Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, cho chúng tôi biết hiện chúng tôi đang xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm chiều cao còn một nửa, làm cao trong bối cảnh hiện nay không được.
“Dự án đã có giấy phép là khu phức hợp rồi, sàn thương mại nhà ở làm 3 tòa, quy mô chiều cao giảm xuống. Nếu xây cao chót vót như cũ với kinh tế hiện tại thì chỉ có “chết”.
Những năm trước khi thị trường BĐS “nóng”, còn bong bóng thì giá bán có thể 4000-5000 USD/m2 còn có người quan tâm, nhưng giờ thì chắc khoảng 2000 USD/m2 mới có người mua.
Giờ mà làm tháp “bông lúa” 100 tầng thì làm không nổi”. Ông Tâm chia sẻ.
Cũng theo ông Đặng Thành Tâm, ngoài việc xin điều chỉnh quy hoạch, giảm chiều cao KBC đang xúc tiến tìm đối tác với Nhật, và đã được Đại sứ quán Nhật giới thiệu đối tác.
Có khả năng phía đối tác Nhật sẽ tham gia vào dự án này để phát triển một quần thể đa chức năng, chứ không phải làm chung cư để bán.
Theo ông Tâm nguyên tắc đầu tư của người Nhật vào dự án là làm nhà cho thuê thu dòng tiền đều đặn, ổn định.
Có thể sẽ hình thành một tổ hợp đa phần là cộng đồng người Nhật ở đây. Các nhà đầu tư Nhật có tiềm lực về vốn nên họ sẽ không phát triển dự án nhà ở để bán thu tiền ngay đem về nước.
Do vậy, sản phẩm sẽ không lo bị ế, họ sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn cho người Nhật đến ở.
Vì ở Hà Nội hiện chưa có khu ở nào dành cho các chuyên gia Nhật. Hiện Dự án đang trong giai đoạn thực hiện hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể triển khai sớm.