Ông cụ gánh nước thuê hơn 40 năm - những kỷ lục đắng cay

Hoàng Xuân |

Kỷ lục khó tả này đã được trao cách đây ba năm, không biết vì lý do gì đến nay mới bùng lên xôn xao.

Đại diện tổ chức này nói thêm: "Gánh nước thuê được xem là một nghề ở Hội An và là nét văn hóa đặc sắc của người dân phố cổ.

Những người phu gánh nước giếng thuê được xem là một sản phẩm du lịch (...) họ cũng sản sinh ra những giá trị đích thực, sự tồn tại của họ là một "di sản" đáng trân trọng, lưu truyền (...). Trong đó, cụ Đường được xem là "người lưu giữ hồn phố".

Tiếc thay, cụ Đường không có smartphone để đọc những ngợi ca bay bổng ấy. Cho nên cụ mới kể với báo chí hồn nhiên thế này: "Nghề ni cực lắm chứ giỡn mô. Chừ, sức yếu, đi không đã khó, huống chi là gánh nước.

Nhất là mưa như ri, đường trơn lắm. Tui phải cố gắng bám mười đầu ngón chân và cả bàn chân xuống mặt đường sao cho trụ vững.

Có mấy lần trượt ngã, gánh nước văng mỗi đầu một gàu, bởi rứa, tui mới bảo thằng Quốc theo phụ gánh giúp. Một phần để cho nó ra đường tiếp xúc. Một phần, rủi tui có làm sao, có nó đỡ kịp..." (trích bài của tác giả Nguyễn Thành Giang trên báo Giác Ngộ).

Dạ vâng, nó khổ ải, nó trần trụi như vậy, chứ không hề là "hồn phố" đậm màu thi ca, hay "đáng lưu truyền" chút nào cả.

Cụ Đường phải nuôi người vợ hơn 80 tuổi và "thằng Quốc" - đứa con hơn 50 tuổi bị tâm thần, đặt đâu ngồi đó.


Ông cụ gánh nước thuê hơn 40 năm - những kỷ lục đắng cay - Ảnh 1.

Cụ Đường cùng vợ và con trai. Ảnh: kyluc.vn

Người dân sung sướng chờ mãi cho đến khi những tờ giấy rách bươm, lộ ra sau nó cảnh nghèo hèn đáng thương trong thực tế.

Giống như thế, tấm bằng kỷ lục của cụ Đường che khuất sau nó ba cuộc đời không hy vọng. Ba cuộc đời từ mấy chục năm nay đã không dám có ước ao nào cao hơn ao ước bữa nay đừng mưa, đừng đau chân hay đau lưng hay cảm cúm, để còn có sức gánh 10 đôi nước, kiếm được 40.000 đồng.

40.000 đồng, thế là có nồi cơm nóng, rưới chút nước mắm chút rau luộc, đủ no nê và ngả lưng trong giấc ngủ không mộng mị, không lo lắng.

Không những không lo lắng mà còn an tâm và sung sướng, vì hôm nay đã được no bụng, được bồi dưỡng để phục hồi sức lực cho ngày mai. Ngày mai trời sáng, thì trở dậy gánh nước tiếp.

Một vòng tròn 40 năm, có lẽ ban đầu còn thoáng ao ước xa xôi nhưng ngày càng dần thắt lại, giờ thì đến mức không thể đơn giản và nghiệt ngã hơn được nữa.

Một cuộc sống của ba người bắt đầu từ hành động đặt gánh nước lên vai và kết thúc bằng việc dựng cái đòn gánh vào tường. Mà ngay cả vòng tròn khắc nghiệt đó cũng đang dần đến ngày tiêu tan. Cụ đã 84 tuổi.

Một bài báo kể khi tìm đến cái ngôi nhà nhỏ xíu cuối ngõ của cụ Đường, tác giả thấy cả ba người vừa ăn cơm xong, đang nằm trên phản xem tivi.

Tôi tự hỏi, vào khoảnh khắc chắc là thảnh thơi nhất ấy, gia đình cụ chọn xem những chương trình gì?

Những game show nơi các ngôi sao trình diễn lộng lẫy như ông hoàng bà chúa, hay các chương trình Vượt lên chính mình - nơi những gia đình nghèo khó ra sức thể hiện tài khéo trong một lĩnh vực lao động quen thuộc để giành lấy tiền trả nợ.

Chắc thế nào ông bà chẳng xem show ấy. Rồi họ có ao ước được một lần được cầm tấm bảng ghi số tiền tài trợ và cười hết cỡ trước ống kính không?

Nhưng làm gì có ai thi gánh nước nhanh, hay gánh nước lâu năm, gánh nước gia truyền, gánh nước bền vững bao giờ?

Tôi đến Hội An nhiều lần. Dù trong hoàn cảnh nào, Hội An hầu như luôn cũng thanh bình và nên thơ.

Ưu thế du lịch được khắc sâu đến nỗi đôi thùng nước bằng sắt nặng oằn lên đôi vai ông cụ 84 tuổi cũng được tô vẽ thành hình ảnh đặc sắc trong con mắt của những du khách cưỡi ngựa xem hoa, trong những phát biểu vớt vát né tránh của một cựu quan chức.

Khi đang thoải mái tận hưởng sự nghỉ ngơi, chúng ta thường tò mò với mọi sự nhưng cũng dễ dàng hài lòng với mọi sự.

Và do vậy, cái gánh nước đáng lẽ gợi lên bao xót xa thì lại hóa thành một thứ đạo cụ độc lạ, chỉ làm đặc sắc thêm cho cuộc vui chơi.

Có bao nhiêu cụ Đường trên đất nước này?

Ông cụ gánh nước thuê hơn 40 năm - những kỷ lục đắng cay - Ảnh 2.

Bà Cao Thị Thủy, 70 tuổi, 20 năm làm nghề tháo dỡ ti vì nuôi hai con bị bệnh tâm thần.

Có vợ chồng ông cụ Nguyễn Tiến Dần (78 tuổi) - Nguyễn Thị Lan (68 tuổi) sống suốt 23 năm qua trong túp lều cũ nát vá víu từ những mảnh bạt, tấm ni lông nằm ven sông Cửa Tiền (phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An).

Có ông cụ trên 80 tuổi ngày ngày nấu xôi đem bán ở góc đường Mạc Thị Bưởi Hai Bà Trưng (TP. HCM), để nuôi vợ bệnh và trang trải cuộc sống.

Có bà Cao Thị Thủy, 70 tuổi, ngồi tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Vĩnh Viễn (Q.10, TP. HCM) suốt hơn 20 năm qua đập, tháo những chiếc tivi cũ, nuôi hai con bị bệnh tâm thần.

Có ông bố 10 năm sống trong một chiếc ống cống, nuôi hai con học đại học. Có gia đình ba thế hệ, tám nhân khẩu, gần ba mươi năm sống trong một "ngôi nhà" 5 m2, xây chồng hai tầng trên nóc dãy nhà vệ sinh tập thể, ngay giữa trung tâm Hà Nội.

Đó đều là những người đã kiên trì làm cái việc không ai làm được. Nếu thế, cũng như cụ Đường, họ đều xứng đáng được trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam. Nhưng cũng hệt cụ Đường, họ bất đắc dĩ phải gắn với nó vì không còn lựa chọn nào khác, do tay nghề, do hoàn cảnh, do tuổi tác.

Theo một báo cáo của ngành lao động-thương binh-xã hội, có gần 5 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi) hầu như chưa có khoản thu nhập thường xuyên nhằm đảm bảo cuộc sống và an sinh xã hội.

Trong số đó có những người không có điều kiện tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội cơ bản nhất. Số được hưởng trợ cấp xã hội thì mức cơ bản chỉ 9.000 đ/ngày (270.000 đ/tháng), đủ mua hai ổ bánh mì không.

Tấm bằng kỷ lục của cụ Đường chỉ đơn giản ghi lại một việc hiếm có, cũng hiếm có như những kỷ lục gia tiềm năng tôi vừa kể. Và sẽ thế nào nếu đặt kỷ lục ấy cạnh những vụ đại án "thời gian xét xử dài nhất", "nhiều bị cáo nhất", "thiệt hại khủng nhất"... vẫn tăng đều qua các năm ?

Bạn có nghĩ gì không ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại