Tại phiên giao ban kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành diễn ra mới đây, những lấn bấn trong quan niệm về pháp nhân thực hiện gói thầu đã làm nảy sinh một cuộc khẩu chiến khá quyết liệt, giữa nhà thầu là Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (Công ty Vạn Cường) và chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư xây dựng đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Theo hồ sơ thực hiện Dự án, đảm trách Gói thầu A2-2 là Liên danh Samwhan - Công ty Vạn Cường. Đây là gói thầu đảm bảo giao thông đường thủy cho công tác xây dựng cầu Ông Thìn.
Trước đó, Vạn Cường đã hoàn tất việc mua cổ phần chi phối của Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải Phòng và xí nghiệp này trở thành một trong những công ty con của Công ty Vạn Cường.
Đây được coi là lợi thế của nhà thầu này khi tiến hành gói thầu theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được các bên triển khai rốt ráo.
Tuy nhiên, mâu thuẫn phát sinh chính từ sự “sẵn có” của Công ty Vạn Cường, khi tư vấn giám sát và chủ đầu tư không cho phép Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải Phòng tham gia đảm bảo giao thông.
Tại cuộc giao ban, đại diện Công ty Vạn Cường đã lớn tiếng cho rằng, Công ty đã bị làm khó và rất có thể, việc gây khó đó là tiền đề cho một sự vòi vĩnh nào đó!
Vị đại diện đã khẳng định: “Chúng tôi sở hữu cổ phần chi phối của Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải Phòng, vì vậy, ai cũng hiểu rằng, đây là một bộ phận của Công ty Vạn Cường và vì thế, việc công ty mẹ điều công ty con vào thực hiện dự án là hợp pháp và là đương nhiên.
Việc ngăn cản không cho phép Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải Phòng vào thi công tại dự án theo điều động của công ty mẹ là vi phạm quy định tại điểm 2, Điều 17, Luật Doanh nghiệp (2014), đó là, “ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.
Không dừng lại trong việc tố cáo “hành vi gây khó dễ của tư vấn giám sát và Ban quản lý dự án”, Chủ tịch Vạn Cường yêu cầu Tổng giám đốc VEC phải “nghiêm trị sự nhũng nhiễu và chính thức công nhận… lý do chính đáng của việc Công ty Vạn Cường bị chậm tiến độ”!
Đáp lại, đại diện phía tư vấn giám sát cho biết, ngày 15/12/2015 nhà thầu đệ trình hồ sơ lần đầu theo thư số SVJS-15-223, nhưng tư vấn đã trả lại hồ sơ ngày 15/01/2016 theo thư số BLLT/CSC/A2-2/16-009.
Lý do trả lại, theo tư vấn giám sát, hồ sơ đệ trình bởi nhà thầu là tổng hợp của 3 pháp nhân (bao gồm Công ty TNHH Xây dựng Vạn Cường, Công ty TNHH Xây dựng Vạn Cường Cần Thơ và Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải Phòng) và theo quy định của Luật Đấu thầu, tài liệu cần phải trình chủ đầu tư bao gồm hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, huy động thiết bị và nhân lực.
Ngày 5/4/2016, nhà thầu đệ trình hồ sơ lần thứ 2 theo thư số BLLT/A2-2/16-160. Theo đánh giá của tư vấn, “hồ sơ đệ trình của nhà thầu chất lượng rất kém và có nhiều vấn đề không đảm bảo”, với các lý do được chỉ ra là: Công ty Vạn Cường hoàn tất mua cổ phần chi phối Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải Phòng không thể hiện trên hồ sơ pháp lý của Xí nghiệp Đường sông Hải Phòng và xí nghiệp này vẫn là đơn vị trực thuộc Công ty Cảng Ninh Bình, vì thế để thực hiện công việc tại gói thầu A2-2, Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải phòng phải chứng minh được rằng, họ trực thuộc Công ty Vạn Cường.
Hơn thế, Xí nghiệp không đủ cơ sở pháp lý để trở thành thầu phụ vì hạch toán phụ thuộc vào công ty mẹ (Công ty Cảng Ninh Bình) trước khi được Vạn Cường sở hữu số cổ phần chi phối.
Ngoài ra, báo cáo tài chính của Xí nghiệp chưa được kiểm toán, tên doanh nghiệp trong báo cáo tài chính 2014 và trong kết luận thanh tra thuế không giống nhau.
Ngày 22/4/2016, Công ty Vạn Cường xin rút lại hồ sơ để bổ sung.
Trong lần đệ trình thứ 3, nhà thầu vẫn tiếp tục mắc lỗi không đính kèm hồ sơ Báo cáo tài chính năm 2014 và bằng chứng thực hiện hợp đồng tương đương chưa đầy đủ.
Trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basicco cho rằng, lý lẽ được phía Vạn Cường đưa ra về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp là đúng với tinh thần Luật Doanh nghiệp (2014).
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, khi doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục pháp lý trong điều chỉnh pháp nhân sau tái cấu trúc, thì việc đơn vị giám sát ngăn chặn việc nhằm điều động một đơn vị “có pháp nhân lạ” để thi công gói thầu mà Vạn Cường là pháp nhân thắng thầu, hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Đấu thầu.
“Thậm chí, ngay cả trong trường hợp, ngay từ khi tiến hành ký hợp đồng xây dựng, hai bên (VEC và Công ty Vạn Cường) đã có văn bản thống nhất việc phân giao công việc cụ thể cho một pháp nhân được xác định, thì với tình trạng pháp lý như vậy, khi tham gia thi công, Xí nghiệp Vận tải đường sông Hải phòng cũng sẽ được chủ đầu tư coi là nhà thầu phụ của Công ty Vạn Cường”, luật sư Đức nói.
Như vậy, nội dung khiếu nại của nhà thầu là Công ty Vạn Cường về những quyết định của tư vấn giám sát và chủ đầu tư tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được làm rõ.
Tuy nhiên, tiếp theo những thành công của tiến trình cổ phần hóa và sắp xếp các doanh nghiệp ngành giao thông - vận tải sẽ là những nỗ lực cực lớn của các các chủ đầu tư khi tiến hành tái xác định pháp nhân của các nhà thầu.
Có thể khẳng định, với lực lượng tư vấn giám sát, không tồn tại khái niệm “chặt tay” hay “lỏng tay”, mà với họ, chỉ có một khái niệm duy nhất là thực hiện đúng các yêu cầu của Luật Đấu thầu.