Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba và những giai thoại về vị đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa

Minh |

Trương Văn Bền là một trong những doanh nhân Việt giàu có tiêu biểu tại Sài Gòn xưa với sự nghiệp lừng lẫy và khối tài sản khổng lồ.

"Người chỉ huy trưởng kỹ nghệ"

Trương Văn Bền (1883 - 1956) theo cách gọi trân trọng của tác giả Nguyễn Đức Hiệp là "người chỉ huy trưởng kỹ nghệ", ý chỉ người lãnh đạo các tập đoàn lớn có sức mạnh như những chỉ huy trưởng các đơn vị chủ lực trên mặt trận phát triển kinh tế xã hội đầu tiên của Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.

Ông sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình khá giả, có học thức với truyền thống làm nghề thủ công. Nhờ vậy, ông được hưởng nền giáo dục Hán học pha trộn với giáo dục Pháp phổ biến thời bấy giờ.

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba và những giai thoại về vị đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa - Ảnh 1.

Nhà kỹ nghệ - doanh nhân Trương Văn Bền.

Năm 1896, ông bắt đầu học ở các trường Pháp Ecole Municipale de Cholon, Collège de My Tho, Lycée Chasseloup-Laubat. Năm 1889, ông thi đậu kỳ thi cao đẳng tiểu học đầu tiên (Brevet élémentaire) và được bổ nhiệm làm Ký lục.

Năm 1901, ông thôi làm việc nhà nước và mở một cửa tiệm nhỏ bán đậu phộng, đậu xanh, đường... Ông dần mở rộng việc làm ăn bằng cách mua các loại hàng sỉ từ các thương gia người Hoa, rồi bán lại cho các tiệm bán lẻ của mình ở Chợ Lớn.

Ở tuổi 25, ông lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.

Những năm 1940, ông chuyển sang làm ngành xà bông, lập công ty lấy tên là Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam. Xưởng của ông ở Chợ Lớn sản xuất thương hiệu nổi tiếng nức tiếng trong và ngoài nước bấy giờ có tên Xà bông Cô Ba.

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba và những giai thoại về vị đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa - Ảnh 2.

Doanh nhân Trương Văn Bền và vợ.

Trong cuốn "Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người", tác giả Nguyễn Đức Hiệp cho biết nhà kỹ nghệ và doanh nhân Việt Nam Trương Văn Bền (1883-1956) có tầm nhìn xa, nhạy bén, khôn khéo và sáng tạo không kém gì những doanh nhân nổi tiếng thế giới hiện nay.

Trong thương trường, ông Bền chủ trương luôn cải tiến chất lượng và sản phẩm phải hợp với túi tiền người tiêu dùng, tìm cách học hỏi kinh nghiệm mỗi khi có dịp sang Pháp.

Sau 1975, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên Nhà máy xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của "Cô Ba" vẫn bao trùm 2 miền Nam, Bắc.

Nói về cái tài của ông Trương Văn Bền, trong ký sự "Một tháng ở Nam Kỳ", nhà văn Phạm Quỳnh có nhắc: "Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắcvề xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông...".

"Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm"...

Trương Văn Bền là một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên kêu gọi người Việt Nam sử dụng hàng nội. Trên báo chí Việt Nam, từ khi xà bông nội địa của ông Bền sản xuất vào năm 1932, trong mục quảng cáo xà bông Cô Ba thường chạy tít: "Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam".

Cái tài của ông Trương Văn Bền còn thể hiện bằng cách đưa nhãn hiệu xà bông Trương Văn Bền vào những loại hình nghệ thuật dân tộc được người Việt yêu thích như ca vọng cổ, thơ lục bát... Quảng cáo sản phẩm, ông còn đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước khiến cho từ giới bình dân đến trí thức người Việt đều biết đến xà phòng Cô Ba của mình.

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba và những giai thoại về vị đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa - Ảnh 3.

Thương hiệu Xà bông Việt Nam- Xà bông Cô Ba nổi tiếng một thời.

Trong hồi ký của mình, ông Trương Văn Bền viết:

"Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho thương hiệu xà bông Cô Ba. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú.

Chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua.

Tôi bèn huy động một số người, cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi "có xà bông Cô Ba bán không?" Hễ có thì mua một hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu "Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó, tốt hơn xà bông khác nhiều".

Hết người này tới người khác, rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán.

Tôi còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông của hãng mình, tốp thì đi đánh võ rao hàng. Rồi đá banh, tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu xà bông của hãng.

Nói tóm lại, tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, vì vậy, xà bông Việt Nam bán chạy lắm"...

Nhờ vậy mà xà bông là sản phẩm mang lại cho ông Trương Văn Bền nhiều tiếng tăm và tiếp cận mọi người nhiều nhất.

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba và những giai thoại về vị đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa - Ảnh 4.

Hãng Xà bông Việt Nam trên đường Kim Biên, Chợ Lớn.

Ngoài con số khủng sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong năm 1943, vào thời kỳ khó khăn ở nhiều nước do chiến tranh thế giới thứ hai, xưởng dầu của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa. Công ty Trương Văn Bền và các con là công ty quan trọng nhất sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương.

Ở Sài Gòn vào những năm thập niên 40, 50, xà bông Cô Ba rất nổi danh, không có đối thủ trên thị trường nội địa. Trên bánh xà bông in hình ảnh người phụ nữ Việt phúc được xuất khẩu rộng rãi sang Lào, Campuchia, qua Hong Kong, Tân Đảo và một số nước châu Phi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại