Ông chủ Tân Hiệp Phát đã từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD như thế nào?

Pha Lê |

Nếu như nhận khoản tiền này, 7 năm trước, ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh đã bước vào câu lạc bộ tỷ phú của Forbes.

Được thành lập từ năm 1994, với tiền thân là nhà máy bia Bến Thành, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Tân Hiệp Phát dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Trần Quí Thanh đã trở thành một trong những thương hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam.

Với khoảng 100 dòng sản phẩm đang bán ở 16 thị trường từ Sudan, Maldives đến các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, nhưng có đến 90% doanh số bán hàng của Tân Hiệp Phát lại đến từ thị trường nội địa.

Trong bài viết có tên ‘How to Invest In Vietnam's Explosive Growth’ (Làm thế nào để đầu tư vào sự tăng trưởng bùng nổ của Việt Nam) đăng trên trang tài chính The Street hồi đầu năm, ông Thanh đã từng cho biết, đã từng xem xét việc niêm yết công ty trên sàn chứng khoán Tp.HCM, tuy nhiên, công ty đã không chọn làm việc này vì sợ phải chạy theo lợi nhuận ngắn hạn.

Là một tập đoàn gia đình nên nhiều chuyện "thâm cung bí sử" của doanh nghiệp này cũng không được tiết lộ trên báo giới. Tuy nhiên, mới đây, Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - con gái ông chủ Tân Hiệp Phát đã giới thiệu cuốn sách Competing with Giants (Vượt lên người Khổng lồ).

Ông chủ Tân Hiệp Phát đã từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD như thế nào? - Ảnh 1.

Gia đình Dr Thanh tại buổi ra mắt sách ‘Competing with Giants’

Nội dung cuốn sách viết về câu chuyện kỳ diệu của một công ty gia đình Việt Nam khởi nghiệp từ trong gian khó của thời kỳ hậu chiến tranh và kinh tế bao cấp đã vượt lên cạnh tranh thành công với các công ty đa quốc gia hùng mạnh.

Nữ doanh nhân châu Á thế hệ thứ hai này cũng tiết lộ về thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó (2012) lên đến 2,5 USD của Coca-Cola để đổi lấy cổ phần kiểm soát Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Nếu thương vụ thành công, ông Trần Quí Thanh sẽ bước vào câu lạc bộ tỷ phú của Forbes 7 năm trước. Tuy nhiên, ông Thanh đã từ chối bởi "những điều khoản không thể chấp nhận được".

"Chứng kiến cảnh bố mình từ chối một khoản tiền mà mọi người hầu như sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời, toàn bộ triết lý sống của Phương được thêm khẳng định từ giây phút ấy", Uyên Phương chia sẻ.

Với những nỗ lực không ngừng xây dựng thương hiệu quốc gia, đến nay, Tân Hiệp Phát không những không phải "bán mình" mà còn từng bước khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường, sánh ngang các ông lớn mang tầm quốc tế như Coca-cola và Pepsi.

Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế Tân Hiệp Phát Bình Dương và Number One Hà Nam năm 2017 đạt khoảng 1.800 tỷ trên tổng doanh thu gần 7.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gần 26%. Cùng tỷ lệ nà, Coca-Cola Việt Nam và Suntory PepsiCo Việt Nam chỉ đạt lần lượt 9,2% và 10,6%.

Quy mô doanh thu của Coca-Cola và Tân Hiệp Phát tương đương nhau ở mức gần 7.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 36%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng của Tân Hiệp Phát chỉ gần 700 tỷ, so với mức gần 1.600 tỷ của Coca-cola.

Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) ngoài việc quản lý nhà máy Number 1 Chu Lai, cô còn phụ trách về mảng mua hàng, marketing, quan hệ công chúng trong nước và quốc tế, cùng các chương trình trách nhiệm xã hội của THP.

Phương là Uỷ viên Ban chấp hành của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam – đồng thời cũng là thành viên Ban chấp hành của Chi hội Doanh nhân trẻ Thế giới (YPO) tại Việt Nam.

Trần Uyên Phương tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Bradford, Singapore, đã tham gia Chương trình đào tạo lãnh đạo/chủ sở hữu của Đại học Harvard, Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại