Ngồi không chờ hưởng lãi, rủi ro cực lớn
Hệ thống này hoạt động bằng cách huy động vốn từ người đầu tư để mua máy khai thác tiền số. Mỗi nhà đầu tư bỏ ra 5.000 USD cho một máy đào, ủy quyền lại cho Sky Mining thực hiện khai thác.
Sky Mining cam kết lo tất cả phần kỹ thuật, nhập máy, điều hành. Nhà đầu tư chỉ cần đóng tiền, lôi kéo thêm nhiều người vào để ăn hoa hồng hoặc “ngồi không” chờ 3- 4 tháng để nhận 300% tiền “lãi” đầu tư.
Website công ty cũng liệt kê đến 18 xưởng đào tiền ảo khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.
Theo cách thức được các nhà đầu tư tiết lộ, nhà đầu tư sẽ nộp bằng tiền mặt (hầu như không có giấy tờ chứng nhận) vào Sky Mining để đầu tư mua máy đào tiền ảo.
Sau khi máy đào khai thác được tiền ảo, nhà đầu tư cũng nhận tiền ảo, sau đó rút tiền ảo mang đi bán lấy tiền mặt.
Nghĩa là, trừ lúc ban đầu nộp tiền thật, từ lúc đầu tư và nhận máy đào tiền ảo cho đến nhận tiền lãi “đào” được, tất cả đều giao dịch bằng tiền ảo.
Trong khi đó, Sở KH&ĐT TP HCM cho biết, Công ty Sky Mining hoàn toàn không được phép kinh doanh và nhận ủy thác mua máy đào tiền điện tử, nhưng ông Tâm vẫn huy động vốn để mua máy về kinh doanh.
Về mặt pháp lý, công ty này không được phép kinh doanh và nhận ủy thác mua máy đào tiền ảo.
Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 124 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và số tiền tăng lên gấp đôi đối với tổ chức vi phạm.
Trong vụ việc này, điều khiến nhiều người quan tâm là tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận nên khi xảy ra bất cứ rủi ro nào liên quan đến tiền ảo thì nhà đầu tư gần như bị mất trắng.
Có căn cứ xử lý tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một điều đáng lưu ý là hầu hết các nạn nhân đã nộp tiền thật vào Sky Mining nhưng không có giấy tờ chứng minh, và khi giao dịch với ông Lê Minh Tâm đều bằng tiền ảo.
Trong trường hợp này, do giao dịch không được thể hiện bằng văn bản nên quyền lợi của các nạn nhân sẽ khó được bảo vệ, đồng thời việc này sẽ gây một số khó khăn nhất định cho cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện công tác điều tra.
Chính vì thế, việc có khởi tố ông Tâm được hay không phụ thuộc vào chứng cứ của những nhà đầu tư cung cấp. Cụ thể, là giấy tờ nộp bằng tiền mặt vào máy đào và các giao dịch nhận tiền ảo, rút tiền ảo.
Trong vụ việc này, từ lúc đầu tư máy đào tiền ảo cho đến nhận tiền ảo đều giao dịch bằng tiền ảo, trong khi tiền ảo không được công nhận.
Vì thế, nếu có đầy đủ chứng cứ xác định ông Lê Minh Tâm thực hiện các giao dịch bằng tiền ảo thì ông Tâm có thể bị xử lý theo Điều 206 BLHS, quy định Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nếu gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 12 - 20 năm.
Mặt khác, hành vi của ông Tâm cũng có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì mức án áp dụng là phạt tù 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Dù tiền ảo không được pháp luật thừa nhận, nhưng trong trường hợp này, các nhà đầu tư đã đóng tiền thật cho ông Tâm, ông Tâm đã bê các máy đào tiền ảo chạy trốn, đồng thời không trả lãi cho nhà đầu tư như cam kết, nên vẫn có căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, để nhà đầu tư lấy lại những gì đã mất là điều không dễ dàng chút nào.