Ông bố quát con 'sao không biết đánh lại' và sự trả giá cho thói dạy con bằng bạo lực

TS. Vũ Thu Hương |

Thấy con đứng khóc khi bị bạn giành xích đu, người bố liền quát “Đồ ngu, sao không biết đánh lại”, rồi túm áo cậu bé chơi cùng doạ 'Không nhường bạn, tao bẻ gãy giò”.

Hỏi:

Cách đây chưa lâu, tôi chứng kiến cảnh một cậu bé thờ ơ khi chứng kiến cảnh bố quát tháo, bạt tai mẹ. Và cũng chính người bố ấy, tôi liên tục chứng kiến cảnh anh ta quát tháo, tát con như cơm bữa.

Có lần, thằng bé mải chạy ngã úp mặt xuống đất, thay vì để con đứng lên, anh ta xách ngược tay thằng bé rồi vừa tát vừa buông câu “Đánh cho nhớ”.

Lại lần khác, khi bị bạn đẩy ra tranh xích đu, cậu bé chỉ biết đứng khóc. Anh ta liền quát con “Đồ ngu, sao không biết đánh lại!”. Anh ta còn túm áo cậu bé chơi cùng doạ “Còn bắt nạt và không nhường bạn, tao bẻ cho gãy giò”.

Nhìn cảnh người đàn ông ấy liên tục thực hành và dạy con giải quyết xung đột bằng “nắm đấm” như thế mà thấy lo lắng. Liệu cậu bé con của anh ta có bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục khác thường như thế hay không?

Trần Thị Thái Anh (Thanh Oai, Hà Nội)

Ông bố quát con sao không biết đánh lại và sự trả giá cho thói dạy con bằng bạo lực - Ảnh 1.

Hãi hùng hàng xóm quen bạo lực (ảnh minh họa)

Trả lời:

Chào chị Thái Anh!

Tôi phải nói ngay với chị rằng, khi phải chứng kiến những hành động bạo lực, trẻ sẽ bị tác động tâm lý rất xấu. Sự thờ ơ của đứa trẻ cho thấy rõ việc bạo hành này diễn ra thường xuyên nên không còn là điều mới mẻ với cháu. Như vậy có nghĩa là đứa trẻ đã chứng kiến những hành động bạo hành gia đình này nhiều lần.

Sự thờ ơ mà đứa trẻ trong vụ việc chúng ta đề cập tới cho thấy khả năng con sẽ trở thành một kẻ bạo tàn, coi bạo lực là cách trò chuyện quen thuộc những khi mong muốn không thực hiện được.

Tôi chắc chắn một điều những đứa trẻ sống trong môi trường bạo hành có thể sẽ học theo thói xấu này, trở thành những kẻ dễ dàng bạo hành người khác.

Ngoài ra, việc chứng kiến bạo hành có thể làm cho đứa trẻ cảm thấy bất an, hoảng sợ, thiếu niềm tin vào hôn nhân. Có cháu bị trầm cảm, có cháu bị mất niềm tin đến mức không muốn lập gia đình khi lớn lên. Có cháu bé lại trở nên căm ghét cả bố (vì độc ác, dã man) cả mẹ (vì nhu nhược, đớn hèn). Có vô vàn hậu quả mà trẻ phải chịu đựng nếu phải sống trong môi trường độc hại.

Tôi biết 1 gia đình, bố đánh mẹ thường xuyên. Khi lớn lên, con trai cũng lao vào đánh mẹ mọi lúc, mọi nơi, những khi cậu bé không hài lòng. Con hung hãn, tàn bạo với tất cả mọi người nhưng nhiều nhất là mẹ. Con không nghe ai nói, phá phách và gây sự mọi lúc mọi nơi. Con sở hữu mẹ như một tài sản và sẵn sàng gây gổ mỗi khi mẹ không làm theo ý mình.

Do đó, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giáo dục, tôi nghĩ rằng trẻ ở độ tuổi nào cũng sẽ bị ảnh hưởng khi sống trong những môi trường độc hại. Thậm chí khi người mẹ đang mang thai mà sống trong hoàn cảnh, môi trường u ám, đứa trẻ khi sinh ra cũng có nhiều điều không ổn về cả tâm lý lẫn tính cách.

Bất kể ai, bất kể làm nghề nghiệp gì thì việc sống trong môi trường xấu cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường tâm lý đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với con trẻ, ảnh hưởng đó sẽ để lại dấu vết trong cả cuộc đời.

Vì thế, để đứa trẻ không lạc lối, điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm là ngay lập tức chấm dứt sự u ám, độc hại trong môi trường sống của đứa trẻ. Thời gian con sống ở môi trường xấu càng ít càng tốt. Khi thay đổi môi trường, tâm tính của đứa trẻ cũng thay đổi. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi môi trường quá muộn, tính cách con đã được hình thành thì việc điều chỉnh không hề dễ dàng.

Dạy trẻ bằng đòn roi chỉ thể hiện sự bất lực của người làm cha mẹ. Đứa trẻ cần học nhiều thứ bằng luật lệ, bằng sự nghiêm túc và gương mẫu của những người lớn trong gia đình.

Nếu quan sát kĩ lưỡng, rất nhiều gia đình trên thế giới họ không sử dụng đòn roi nhưng họ đã đào tạo ra những công dân tuyệt vời. Vậy lý do gì mà chúng ta cần phải sử dụng bạo hành trong giáo dục?.

Tuy nhiên, để dạy trẻ không đòn roi, cha mẹ cũng cần có những kỹ năng nhất định.

Điều đầu tiên trong gia đình, người lớn cần sống có nề nếp rõ ràng để trẻ noi theo. Những gia đình có thời gian biểu rõ ràng, chính xác, không thay đổi nhiều theo các ngày thì thường dễ dàng dạy con hơn những gia đình sinh hoạt lung tung, tùy hứng.

Những nề nếp như tôn kính, chào hỏi lễ phép, thưa gửi,… sẽ là bài học nhẹ nhàng, nhanh thẩm thấu vào thói quen đứa trẻ hơn hẳn những lời giáo huấn suông.

Ngoài ra, với các quy định chính xác, nếu sai có phạt dù người sai là bố mẹ, hay con cái, việc giáo dục trẻ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Sống có trách nhiệm, việc ai nấy làm, phải hoàn thành và hoàn thành tốt, tôn trọng cuộc sống của người khác cả về thân thể lẫn tinh thần,… là những điều đứa trẻ có thể học hỏi dù người lớn không mất nhiều công sức dạy bảo, răn đe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại