"Ông bố hâm" của Tony Lê Tuấn Anh: Bán 2 cửa hàng, theo con đi đá bóng

Hoàng Tùng |

"Vì đam mê đá bóng của con, tôi chỉ còn giữ lại 1 cửa hiệu, đổi lại mỗi cuối tuần hai vợ chồng cùng nhau lái xe đi xem con mình đá bóng, được sống cùng cảm giác của con trên sân", bố Tony Lê Tuấn Anh tâm sự.

Chuyện của "một ông bố bị hâm"

Vài tiếng trước khi rời Nha Trang, ông Lê Tuấn - bố của cầu thủ Việt kiều Tony Lê Tuấn Anh, gọi điện hẹn gặp tác giả ở quán nước ngay nhà khách nơi ông lưu trú, trong những ngày theo cậu con trai tập trung U20 Việt Nam. Sau cơn mưa dầm dề bất chợt nơi phố biển sáng hôm ấy, ông Tuấn tâm sự rất nhiều điều.

"Trước ở Tiệp, tôi có đến 3 cửa hàng đó chứ. Nhưng tiền không thể mua được niềm vui bên con cái, niềm hạnh phúc khi chứng kiến từng bước đi của con. Vì đam mê đá bóng của cháu Tony, tôi chỉ còn giữ lại 1 cửa hiệu, đổi lại mỗi cuối tuần hai vợ chồng cùng nhau lái xe đi xem con mình đá bóng, được sống cùng cảm giác của con trên sân".

Ông bố hâm của Tony Lê Tuấn Anh: Bán 2 cửa hàng, theo con đi đá bóng - Ảnh 1.

Ông Tuấn luôn theo sát Tony Lê Tuấn Anh trên chặng đường thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Cứ như thế, ông tiếp tục: "Ở Séc, cậu bé nào có ước mơ trở thành cầu thủ, đều phải hướng về Praha. Tony nhà tôi cũng thế. Nhưng khác so với hầu hết mọi người. Tôi là tài xế riêng cho con tôi đến khắp mọi nơi. Hơi buồn là những con em gốc Việt vơi dần, được hướng nghề khác, rồi càng lên cấp độ cao thì phụ huynh với nhau cũng càng lạnh lùng".

"Con tôi phải có nền tảng vững, tôi mới quyết tâm cùng cháu trên con đường giấc mơ", bố Tony Lê Tuấn Anh.

"Hoàn cảnh lúc đó ai nhìn vào cũng bảo tôi bị hâm, bị điên rồi. Tôi bỏ mặc tất cả. Với linh cảm của một người bố, và thực sự hiểu khả năng của con mình. Nói không phải khoe hay mèo khen mèo dài đuôi, Tony năm nào cũng đạt thành quả tốt ở Séc.

Nếu ai cần, tôi đưa ngay bằng chứng. Con tôi phải có nền tảng vững, tôi mới quyết tâm cùng cháu trên con đường giấc mơ mà".

Sự hâm, cái điên của ông Tuấn mang lại một cậu bé Việt kiều luôn giữ trong mình tình yêu quê hương đến cháy bỏng.

Thời gian hơn tiếng đồng hồ cùng nhau trên xe từ nhà ra sân tập rồi lại về, chính là những lúc mà Tony được nghe những câu chuyện về quê nhà, được giải thích cặn kẽ những phong tục, tập quán và cả "sự rắc rối" trong xưng hô.

"Gia đình tôi luôn giữ nếp sống truyền thống Việt Nam. Mình cũng tạo điều kiện để cháu nhiều lần được về quê hương thăm họ hàng. Nói đến đây tôi vẫn hối hận là mình bỏ quên rèn cho cháu giao tiếp tiếng Việt thật sõi", ông Tuấn vẫn day dứt vì giao tiếp là một trong những nguyên nhân khiến Tony Lê Tuấn Anh hòa nhập chậm tại U20 Việt Nam.

"Con đã biết mình đang ở đâu chưa?"

Cần đính chính rằng, Tony Lê Tuấn Anh không "bị đuổi" hay "bị loại" khỏi U20 Việt Nam. HLV Hoàng Anh Tuấn và cả vị giám đốc kĩ thuật Jurgen Gede đều muốn giữ lại cầu thủ Việt kiều này ở đội, tạo cơ hội cho cậu nhóc trui rèn ở giải giao hữu U19 Quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 11/4 tới tại Nha Trang.

Ông bố hâm của Tony Lê Tuấn Anh: Bán 2 cửa hàng, theo con đi đá bóng - Ảnh 3.

Tony Tuấn Anh vui đùa cùng Hà Đức Chinh. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Cả hai thấy được ở cậu nhóc chưa tròn 18 tuổi này, không chỉ tố chất, mà còn là sự cầu tiến, ý chí với những lần cắn răng để vượt qua các bài tập khắc nghiệt.

Tuy nhiên, chấn thương sụn gối đang là trường hợp khiến nhiều tài năng trẻ ở Việt Nam khốn khó trên con đường sự nghiệp, ngay như ở U20 Việt Nam hiện tại có trường hợp của đội trưởng Nguyễn Trọng Đại. Cho nên ông Tuấn và ông Jurgen rất lưỡng lự với ý muốn ban đầu.

Ông bố hâm của Tony Lê Tuấn Anh: Bán 2 cửa hàng, theo con đi đá bóng - Ảnh 4.

Tony Lê Tuấn Anh cắn răng để vượt qua bằng được bài tập thể lực khắc nghiệt. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Rồi sau khi ban huấn luyện U20 Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Tuấn và cả Tony, quyết định cuối cùng được đưa ra, là để tiền vệ này chia tay đội, trở lại Séc với những điều kiện tốt nhất về y tế trong chữa trị.

Toàn bộ quá trình chữa trị sẽ do công ty quản lý của cầu thủ này ở Séc lo liệu. Công ty này sẽ chịu trách nhiệm chi phí, chỉ định bệnh viện, bác sĩ, HLV trị liệu, thể lực... tùy theo hợp đồng đã ký.

"Thầy Tuấn và ông Jurgen rất có tâm, trách nhiệm với cầu thủ. Cả hai đều bảo với tôi và cháu Tony là, về chữa lành hẳn đầu gối đi, chúng ta sẽ gặp lại nhau vào năm sau. Ý muốn của ban huấn luyện U20 Việt Nam là sẽ tiếp tục tạo điều kiện thử sức Tony trong vòng 3 năm tới. Hiện tại em nó cũng chưa tròn 18 tuổi".

"Vì sự nghiệp của em hẵng còn dài. Người cha, người mẹ nào cũng xót con cả, dù tôi vẫn muốn Tony ở lại, cháu nó cũng đang hòa nhập tốt với đội nữa mà. Nhưng tôi biết đó không phải quyết định tốt cho tương lai của cháu. Tony tính cũng trầm, hay giấu tôi nhiều thứ.

Em nó không bao giờ nói về các cơn đau, những lúc buồn thì cứ im lặng suốt. Đêm qua khi biết tin bị loại, em cũng chỉ nhắn tin, con không ngủ được, bố ngủ đi, rồi không nói gì nữa. Sau lần này tôi phải cương quyết hơn vì đôi chân của con mình".

Dẫu biết Tony Lê Tuấn Anh bị loại lý do chính là vì chấn thương. Song, thẳng thắn mà nhìn nhận về khía cạnh chuyên môn, cầu thủ Việt kiều này cũng không nổi trội so với nhiều đồng đội tại U20 Việt Nam.

Bản thân cầu thủ Việt kiều thừa nhận: "Chuyến đi này đã mang lại cho tôi nhiều bài học. Nếu có dịp được trở lại, tôi sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Ít nhất là tôi sẽ không còn sợ nữa".

Đến đây, ông Tuấn mới cho hay: "Tôi có nói với Tony về cái kém của em nó chứ. Tôi đã nói với Tony đây không phải là thất bại, mà nó là bài học dành cho con.

Con về rồi con mới thấy đó. Con đã biết mình đang ở đâu chưa? Con đã thấy sự khác biệt giữa đội tuyển với CLB chưa? Năm nào ở CLB con cũng giành danh hiệu, huy chương, nhưng như thế đã đủ để lên tuyển chưa?".

Ông bố hâm của Tony Lê Tuấn Anh: Bán 2 cửa hàng, theo con đi đá bóng - Ảnh 5.

Tony Lê Tuấn Anh muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp để trả ơn bố mẹ.

Quay sang Tony và hỏi về ý kiến của người bố, cậu nhóc chưa tròn 18 tuổi này khép nép mà rằng: "Bố là nhất. Bố toàn mắng em suốt thôi, chẳng bao giờ bố khen em cả. Giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của em, là để trả ơn bố mẹ".

Khi được nhắc về mẹ của Tony, ông Tuấn khua tay nói luôn: "Thôi thôi, đừng nhắc làm gì, bà ấy mấy nay toàn mắng tôi, bắt phải đưa em nó về ngay khi xem hình ảnh hốc hác thấy rõ của em trên báo chí".

Cuộc nói chuyện đến đây rẽ sang nhiều hướng khác, khi mà ông Tuấn có phần ngại nói về nỗi ám ảnh báo chí, truyền thông Việt Nam, với một người đang muốn viết về con trai ông. Chỉ khi thực sự tin tưởng "mức độ sự thật" trong cách truyền tải thông tin, ông Tuấn mới bắt đầu cởi lòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại