"Tôi tới để tỏ lòng kính trọng với 2.403 người thiệt mạng ngày hôm đó, bao gồm 1.177 thủy thủ làm việc cùng tôi trên USS Arizona", cựu binh Lou Conter nói.
Ông Conter, 98 tuổi bỏ lỡ lễ kỷ niệm vào năm ngoái, sự kiện lần đầu tiên ghi nhận không một người sống sót nào sau vụ tấn công tới tham dự.
Vào buổi sáng cách đây đúng 78 năm, Nhật Bản bất ngờ phát động cuộc tấn công với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhằm vào căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng , Hawaii.
Một số lượng lớn các thiết giáp hạm và máy bay Mỹ bị phá hủy hoàn toàn trong trận đánh này. Hơn 2.000 người Mỹ thiệt mạng trong các vụ đánh bom, trong đó có 1.177 sĩ quan và thủy thủ trên thiết giáp hạm USS Arizona.
Arizona bị trúng bom, nổ tung và bị đánh chìm một cách bi thảm. Không giống như những con tàu khác bị đánh chìm hay hư hại, xác của Arizona không được trục vớt dù hải quân đã cho tháo dỡ những bộ phận của con tàu để tái sử dụng.
Xác của con tàu tiếp tục nằm bên dưới đáy Trân Châu Cảng và là địa điểm mà một đài tưởng niệm được xây dựng bên trên và khánh thành vào ngày 30/5/1962 để tưởng nhớ những người đã hy sinh.
Ông Conter là 1 trong 3 cựu binh tàu Arizona còn sống. Hai cựu binh còn lại Donald Stratton (97 tuổi), Ken Potts (gần 100 tuổi) không thể tới Hawaii để tham dự lễ kỷ niệm năm nay.
Năm 2019, 2 thủy thủ Arizona sống sót sau cuộc tấn công năm 1941 đã qua qua đời.
Lễ kỷ niệm sẽ bắt đầu vào 7h50 sáng 7/12 (giờ địa phương) tại Trung tâm hỗ trợ thông tin du lịch Trân Châu Cảng. Tới 7h55, ông Conter và mọi người sẽ dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người thiệt mạng vào đúng thời điểm máy bay Nhật Bản đánh trúng mục tiêu đầu tiên trong vụ Trân Châu Cảng.
Buổi lễ dự kiến sẽ kéo dài khoảng 90 phút với sự tham gia của đội quân nhạc Hạm đội Thái Bình Dương. Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt dự kiến sẽ có bài phát biểu tưởng niệm./.