1.Ong có thể sử dụng công cụ
Ong mật ở Việt Nam và các khu vực khác của châu Á đang bị đe dọa bởi một loài săn mồi chuyên tấn công đàn ong, giết chết những con trưởng thành bảo vệ tổ và ăn thịt những con non. Đó là ong bắp cày, đặc biệt loài ong bắp cày Vespa soror rất phàm ăn. Chúng có khả năng tiêu diệt một tổ ong mật trong vòng vài giờ.
Ong bắp cày. Ảnh: Getty.
Để tránh những cuộc "đồ sát" như vậy, ong mật thu gom phân động vật tươi và bôi xung quanh lối vào tổ của chúng. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu công bố phát hiện của họ về khả năng sử dụng công cụ của loài ong mật.
Việc trát phân quanh lối vào tổ ong khiến ong bắp cày giảm thời gian tìm cách tấn công tổ. Đây là báo cáo khoa học đầu tiên về việc ong mật sử dụng vật liệu không có nguồn gốc từ thực vật, không phải là chất lỏng. Đây là ví dụ rõ ràng đầu tiên về việc ong mật sử dụng công cụ trong tự nhiên.
Ong mật báo hiệu một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng cách phát ra tiếng động cảnh báo nghe ớn lạnh.
Ong mật. Ảnh: BBC. |
2.Ong ăn thịt
Phần lớn các loài ong ăn phấn hoa và mật hoa, nhưng một số loài đã tiến hóa để ăn thịt. Các nhà khoa học tại Đại học California-Riverside, Đại học Columbia và Đại học Cornell (Mỹ) phát hiện ra rằng ong kền kền ở Costa Rica trong có ruột chứa nhiều vi khuẩn ưa axit tương tự như ở linh cẩu và các loài động vật ăn xác sống khác.
Nghiên cứu của họ liên quan đến việc thiết lập 16 bẫy mồi với 50 gram thịt gà sống treo lủng lẳng trên cành cao khoảng 1,5 mét so với mặt đất. Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù ong kền kền ăn thịt nhưng mật của chúng vẫn ngọt và có thể ăn được.
Ong kền kền ăn xác chết động vật. Ảnh: Scitechdaily. |
3. Phân ong suýt gây ra đối đầu Chiến tranh Lạnh
Vào những năm 1980, "mưa vàng" - những đốm nhỏ màu vàng được tìm thấy trên các tán lá rừng ở Lào và Campuchia - được cho là tàn dư của vũ khí hóa học. Nhiều người tị nạn cho rằng cơn mưa màu vàng gây ra bệnh tật và chết chóc.
Các cáo buộc đã khiến Mỹ buộc tội Liên Xô và các đồng minh của họ tham gia chiến tranh hóa học. Các chuyên gia về ong sau đó phát hiện ra rằng những chấm vàng là chất bài tiết của các đàn ong mật hoang dã.
Một tổ ong trên cây. Ảnh: Dreamstimes. |
4.Ong thích nhảy múa
Ong có thể giao tiếp và đưa ra quyết định bằng cách nhảy múa. Khi một con ong mật thám thính và kiểm tra tổ mới, nó sử dụng điệu múa lắc lư để thông báo. Vị trí càng tốt, ong nhảy múa càng lâu và càng mạnh. Nếu một con ong khác đụng phải một con ong đang nhảy múa, nó sẽ đi kiểm tra địa chỉ và nếu thấy thích, nó cũng sẽ lắc lư theo.
Cuối cùng, động lực của sự nhảy múa khiến khoảng 20 đến 30 con ong đồng ý về vị trí làm tổ tốt nhất và chúng truyền đạt quyết định của mình cho những con còn lại trong đàn bằng cách tạo ra âm thanh the thé và bằng cách vo ve cánh của chúng giữa những con ong khác.
Ong nhảy múa để báo hiệu tìm thấy vị trí tốt xây tổ hoặc nơi có nhiều hoa. Ảnh: Science Photo. |
5.Ong nghệ phá lá để hoa nở sớm
Cây cối tạo ra những bông hoa rực rỡ đầy mật hoa để thu hút các loài thụ phấn nhưng một con ong nghệ thiếu kiên nhẫn và đói bụng sẽ làm gì khi những bông hoa đó chưa nở?
Các nhà khoa học ở Thụy Sĩ và Pháp phát hiện ra rằng khi phấn hoa khan hiếm, ong nghệ phá hoại lá cây cà chua và cây mù tạt theo cách độc đáo khiến cây ra hoa sớm hơn 30 ngày.
Đối với ong, phấn hoa là nguồn protein mà chúng cần để nuôi con. Tuy nhiên, nhiệt độ ấm hơn do khủng hoảng khí hậu có nghĩa là ong thức dậy sớm hơn sau khi ngủ đông để tìm những bông hoa chúng cần để làm thức ăn, nhưng hoa chưa nở. Thời gian ra hoa phụ thuộc vào việc tiếp xúc với ánh sáng, ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều này tạo ra sự lệch pha có thể khiến ong thiếu thức ăn vào đầu mùa xuân.
Ong nghệ (phải) và ong mật (trái). Ảnh: Treehugger. |
6. Con người khai thác ong mật hàng nghìn năm
Một bức tranh hang động ở Tây Ban Nha (được cho là 8.000 năm tuổi) mô tả một người đang đứng trên thang để lấy mật ong. Dấu vết của sáp ong trên đồ gốm cũng cho thấy rằng những người nông dân sơ khai đã nuôi ong từ 9.000 năm trước.
Nuôi ong lấy mật. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Mật ong cũng được tìm thấy trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại. Mật ong có thể được dùng như là một phương pháp điều trị trong chế độ ăn thời tiền sử có ít thức ăn ngọt, và nó có thể có công dụng chữa bệnh. Sáp ong có thể được sử dụng để làm cho chậu không thấm nước hoặc làm keo dán.
Ngày nay, mật ong có thể mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Mật ong chứa kháng sinh tự nhiên để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách để dễ dàng bôi mật ong lên vết thương. Mật ong có thể được sử dụng trong phẫu thuật, vùng chiến sự.
Tổ ong đầy mật. Ảnh: Shutterstock.