Tôi cho rằng thời gian qua, nhiều người vẫn chọn vàng không chỉ vì lạm phát và vàng tăng giá mà nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, trong đó có tỉ giá, kênh đầu tư...
Rủi ro hàng đầu hiện nay với kinh tế vĩ mô cũng như với kinh doanh chính là biến động tỉ giá, trong đó có các nguyên nhân từ bên ngoài.
Gần đây đồng bảng Anh biến động cũng gây lo lắng nhưng may thay tỉ giá VND chưa có biến động, còn trên thế giới cũng chưa xác định rõ xu hướng của đồng tiền này.
Lo lắng nhất là nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó, có khả năng họ phá giá đồng nhân dân tệ để giải quyết vấn đề của nền kinh tế. Tôi cho rằng Chính phủ nên có nghiên cứu và chuẩn bị trước để tránh tác động ngoài dự kiến.
Nếu Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, có thể lại tạo ra một cuộc đua phá giá đồng tiền giữa các nước. Do vậy, ta cần có sự chuẩn bị để tránh một cú sốc.
Trên thực tế, có nhiều giai đoạn lạm phát ở VN ở mức rất cao. Người dân đã có “kinh nghiệm” khi đồng tiền của họ bị giảm sức mua theo thời gian. Từ đó đã hình thành thói quen bỏ tiền nhàn rỗi vào đất đai, vàng, ngoại tệ và đã bén rễ vào suy nghĩ nhiều người, gây nhiều yếu tố bất lợi cho nền kinh tế.
Ví dụ như giá bất động sản cao hơn thực tế, kể cả giá bán và giá thuê, khiến tăng chi phí cho xã hội, đặc biệt là chi phí nhà xưởng, văn phòng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là vốn bị đọng lại, không tham gia thúc đẩy sản xuất... Để giảm tình trạng găm giữ vốn trong vàng, ngoại tệ, thị trường tài chính cần được thúc đẩy phát triển hơn nữa để tạo nhiều kênh huy động và sinh lời đáng tin cậy.
Song, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là niềm tin. Phải có cách tăng trưởng kinh tế cao mà không đi liền với lạm phát. Đây chính là mục tiêu điều hành của VN gần đây, là ưu tiên hàng đầu cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng không chỉ nhờ vào tăng vốn đầu tư. Lạm phát của VN tới thời điểm này vẫn trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, dù ngắn hạn chưa đáng lo, nhưng lòng tin cho sự bền vững của lạm phát là chưa thật rõ ràng. Do vậy, Chính phủ nên quan tâm kiểm soát lạm phát để tính toán, có bước đi và hành động củng cố niềm tin.
Về quản lý, những năm trước ta đã thực hiện được một bước đi rất quan trọng trong quản lý vàng, đưa nó ra khỏi nguồn vốn của ngân hàng. Vì vậy, tại thời điểm này chưa nên tính đến chuyện quay trở lại sàn vàng.
Nếu vừa cấm sàn vàng, ngân hàng không được huy động vàng, giờ mở lại cũng là làm mất lòng tin vì chính sách không nhất quán. Lúc này cần đặt vấn đề làm sao biến vàng dự trữ trong dân thành một nguồn lực để sử dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thực tế vàng vẫn luôn là tài sản nhiều người muốn nắm giữ. Vì vậy, trước những biến động của thị trường, cơ quan quản lý cần có định hướng sớm và rõ hơn. Nên có biện pháp khuyến khích trên thực tế để vốn hóa vàng, tức đưa vàng trở thành vốn sản xuất kinh doanh.
Trong đó, tính ổn định của tiền đồng là rất quan trọng. Giữ tiền đồng nhưng không bị mất giá nhanh, người dân sẽ dần tin tưởng và không còn bỏ vốn vào vàng, ngoại tệ hay bất động sản để giữ tài sản của mình.