Ồn ào VĐV Việt Nam bị cấm dự giải quốc tế: Vì sao Liên đoàn Billiards Việt Nam lại bị “vượt mặt”?

A Kha |

Việc Hiệp hội Billiards Thể thao châu Á đưa ra án phạt cấm thi đấu với Việt Nam gây nên ồn ào lớn. Và dư luận cũng đặt ra câu hỏi vì sao lại xảy ra cơ sự này?

NGUỒN CƠN XUNG ĐỘT TỪ ĐÂU MÀ RA?

Hiệp hội Billiards Thể thao châu Á (ACBS) vừa đưa ra án phạt cấm quan chức, VĐV, HLV của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) tham gia các hoạt động, giải đấu của châu Á và quốc tế trong 6 tháng, tính từ ngày 13/6/2024 tới hết ngày 12/1/2025.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc VBSF bị cấm tham gia các hoạt động, giải đấu của châu Á và quốc tế trong 6 tháng là do có những giải đấu mà ACBS khuyến cáo không được tổ chức tại Việt Nam (do trái quy định của ACBS), nhưng rồi nó vẫn diễn ra, ví dụ như Hanoi Open 2023.

ACBS cũng cho biết thông báo án phạt với VBSF đến Liên đoàn billiards quốc tế, Ủy ban Olympic châu Á (OCA), Ủy ban Olympic thế giới (IOC) và các Liên đoàn, tổ chức billiards quốc tế gồm WPA, IBSF, WCBS.

Ồn ào VĐV Việt Nam bị cấm dự giải quốc tế: Vì sao Liên đoàn Billiards Việt Nam lại bị “vượt mặt”? - Ảnh 1.

Các cơ thủ Việt Nam giành nhiều thành tích quốc tế trong thời gian qua.

Với quyết định từ ACBS, các cơ thủ của đội tuyển billiards Việt Nam, thuộc quyền quản lý của VBSF không được tham dự Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 6 (AIMAG 6) vào tháng 11 tới tại Thái Lan.

Đồng thời, Việt Nam có thể cũng không được đăng cai tổ chức Giải vô địch billiards carom 3 băng thế giới World Championship 2024 tại Bình Thuận vào tháng 9 và nhiều khả năng vắng mặt ở World Cup 2024 tại Hàn Quốc. Các cơ thủ carom 3 băng hàng đầu Việt Nam hiện nay như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Ngày 30/7, VBSF ra thông cáo báo chí về án phạt của ACBS, khẳng định đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc tổ chức Hanoi Open 2023 tới các đơn vị liên quan, nhưng không nhận được câu trả lời hay phản hồi thích đáng.

"Theo Luật Thể dục thể thao sửa đổi năm 2018, thẩm quyền cấp phép tổ chức các giải đấu thể thao quần chúng thuộc về UBND địa phương nơi diễn ra giải đấu", thông cáo của VBSF giải thích.

Ồn ào VĐV Việt Nam bị cấm dự giải quốc tế: Vì sao Liên đoàn Billiards Việt Nam lại bị “vượt mặt”? - Ảnh 2.

Theo VBSF, họ đã nhiều lần cảnh báo, tổ chức họp bàn với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, 2 đơn vị tổ chức Hanoi Open nhưng không ngăn được việc giải đấu diễn ra. Sau đó, VBSF thương lượng với ACBS để các cơ thủ vẫn được tham dự các giải quốc tế năm 2024.

"Tuy nhiên, năm 2024, Hanoi Open vẫn được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép tổ chức. Do đó, ACBS thông báo sẽ áp dụng lệnh đình chỉ nếu VBSF không phải quyết trước 23/5/2024. VBSF đã thông báo tới các đơn vị liên quan nhưng không được phản hồi", VBSF ghi rõ trong thông cáo.

Cũng ở thông cáo này, thông tin cho biết lệnh cấm chỉ được áp dụng ở nội dung pool và snookers. Giải Vô địch thế giới Carom dự kiến diễn ra ở Bình Thuận cuối tháng 9 tới vẫn được tổ chức như bình thường. Tuy nhiên, VBSF cũng cảnh báo các tổ chức khác và các nội dung khác sẽ bị cấm nếu vấn đề không được giải quyết dứt điểm.

Ồn ào VĐV Việt Nam bị cấm dự giải quốc tế: Vì sao Liên đoàn Billiards Việt Nam lại bị “vượt mặt”? - Ảnh 3.

VÌ SAO VBSF BỊ "VƯỢT MẶT"?

Ở vụ việc này, một diễn biến đáng chú ý là Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội (HBSF), đơn vị tổ chức giải Hanoi Open, lại tuyên bố họ không phải thành viên của ACBS. Do đó, đơn vị này có thể tổ chức các giải đấu quốc tế không do ACBS cấp phép; đồng thời, phía HBSF cũng khẳng định ACBS không có căn cứ đình chỉ VBSF, cũng như ra án phạt cấm các cơ thủ.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện, chúng ta cần hiểu về mô hình quản lý thể thao chung tại Việt Nam. Dù là thể thao thành tích cao hay thể thao quần chúng, các môn này được quản lý bởi hai thành phần. Thứ nhất là các Đơn vị trực thuộc Nhà nước. Thứ hai là các Tổ chức xã hội, nghề nghiệp.

Ở cấp độ Nhà nước, đơn vị quản lý cao nhất các môn thể thao là Cục Thể dục Thể thao. Tại địa phương, đơn vị quản lý là Sở Văn hóa Thể thao, phía dưới có Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT. Trong khi đó, Tổ chức xã hội, nghề nghiệp được hiểu là Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.

Ồn ào VĐV Việt Nam bị cấm dự giải quốc tế: Vì sao Liên đoàn Billiards Việt Nam lại bị “vượt mặt”? - Ảnh 4.

Theo Luật Thể dục Thể thao số 77/2006/QH11, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 26/2018/QH14, Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng. Tuy nhiên, Liên đoàn thể thao quốc gia chỉ là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không có thẩm quyền "ra lệnh" cho cơ quan quản lý nhà nước.

Vì thế khi HBSF xin được giấy phép tổ chức Hanoi Open từ Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, VBSF cũng khó có quyền hạn can thiệp lên giải đấu do Liên đoàn địa phương đăng cai.

Ồn ào VĐV Việt Nam bị cấm dự giải quốc tế: Vì sao Liên đoàn Billiards Việt Nam lại bị “vượt mặt”? - Ảnh 5.

Nếu HBSF, một đơn vị không trực thuộc ACBS, có thể thoải mái tổ chức các giải đấu quốc tế dưới giấy phép được cấp từ địa phương, câu chuyện được đặt ra ở đây là: Sự tồn tại của VBSF có ý nghĩa gì? VBSF có quyền hạn ra sao trong việc quản lý HLV, VĐV và các giải đấu quốc gia, cũng như hợp tác quốc tế?

Trong câu chuyện riêng của HBSF và VBSF, nếu HBSF khẳng định họ không phải thành viên của ACBS, một tổ chức mà VBSF đang trực thuộc, vậy mối quan hệ giữa HBSF và VBSF là như thế nào? HBSF là một thành viên, cơ sở trực thuộc của VBSF, hay hoàn toàn nằm ngoài tầm quản lý của VBSF?

Nếu HBSF là thành viên, cơ sở của VBSF, tại sao VBSF lại để HBSF tổ chức những giải đấu không được ACBS cấp phép, dẫn đến việc VBSF bị đình chỉ hoạt động, còn các VĐV Việt Nam cũng phải nhận án cấm thi đấu 6 tháng?

Nếu HBSF là đơn vị độc lập, nằm ngoài tầm quản lý của VBSF, thì VBSF, một Liên đoàn cấp độ quốc gia, có thẩm quyền ra sao với các Liên đoàn địa phương?


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại