Ồn ào chuyện thuốc Vipdervir và thực phẩm chức năng Vipdervir C: Công ty Vinh Gia làm ăn thế nào?

Ái Châu Tử |

Liên quan đến việc công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có tên Vipdervir và thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vipdervir C, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đã lên tiếng giải thích.

Vipdervir và Vipdervir C

Ngày 10/8, sự kiện thu hút sự chú ý lớn của dư luận là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của thuốc điều trị Covid-19.

Báo Chính phủ cho biết nhóm nghiên cứu sản xuất thuốc Vipdervir do PGS.TS Lê Quang Huấn hướng dẫn và thực hiện trực tiếp. Thành viên của nhóm còn có nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ sinh học (VAST) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhóm nghiên cứu được sự hỗ trợ của lãnh đạo Viện VAST, Bộ Y tế và có sự liên kết với Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam.

“Vipdervir là sản phẩm được tạo ra hoàn toàn từ thảo dược, có chứa các hoạt chất có khả năng phong tỏa các phân tử đích liên quan tới quá trình xâm nhập và nhân lên của SARS-CoV-2, đồng thời sản phẩm còn chứa hoạt chất có tác dụng kích hoạt các tế bào của hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của người bệnh. Hiện sản phẩm Vipdervir được điều chế ở dạng viên nang cứng", PGS.TS Lê Quang Huấn nói.

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh Vipdervir an toàn và có khả năng ức chế phát triển SARS-CoV-2 cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng. Dự kiến, thuốc Vipdervir sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 200 người bệnh tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Tuy nhiên, một điều khá bất ngờ là sau khi thông tin trên được báo chí đăng tải, trên mạng xã hội lại xuất hiện hình ảnh một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên Vipdervir C có thiết kế rất giống Vipdervir. Nhiều người đã chia sẻ hình ảnh và tìm mua sản phẩm Vipdervir C.

 Ồn ào chuyện thuốc Vipdervir và thực phẩm chức năng Vipdervir C: Công ty Vinh Gia làm ăn thế nào?  - Ảnh 1.

Vipdervir - sản phẩm do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, hiện có kết quả tiền lâm sàng khả quan đối với việc điều trị Covid-19.

Điều đáng nói hơn nữa là Vipdervir C lại là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia – có tên trùng với tên công ty được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu là đối tác liên kết nghiên cứu, sản xuất thuốc Vipdervir nói trên. Điều này làm dấy lên những hoài nghi về sản phẩm Vipdervir C.

Ngày 11/8, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia ra thông cáo về sự việc này. Theo đó, Vinh Gia cho biết Vipdervir C là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Sản phẩm đã được công bố tại cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế số công bố 5932/2021/ĐKSP cấp ngày 29/6/2021 với công dụng “hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus, do sức đề kháng kém gây ra”. Sản phẩm tuân thủ mọi quy định của pháp luật về công bố và lưu hành sản phẩm.

Vinh Gia cũng cho biết dù đã được cấp số công bố từ ngày 29/6/2021, nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan mà đến nay, công ty chưa tiến hành truyền thông quảng cáo cho sản phẩm Vipdervir C trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào và sản phẩm này cũng chưa được bán tại các nhà thuốc.

Vì thế, công ty khẳng định: thông tin cho rằng Vinh Gia cố tình khiến người dân hiểu nhầm Vipdervir C là thuốc Vipdervir “là hoàn toàn không đúng”.

Về sự kiện họp báo công bố thông tin thuốc Vipdervir của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Vinh Gia nói công ty này không phải đơn vị tổ chức cũng không gửi giấy mời cơ quan báo chí tham dự.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia làm ăn ra sao?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia được thành lập ngày 2/11/2005, đóng trụ sở tại số 116 Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Ngô Thế Vinh, giữ chức chủ tịch HĐQT. Các cổ đông cá nhân của công ty gồm có: Ngô Thế Vinh, Lê Thị Phương, Ngô Thanh Vân nhưng tính đến hết 2020, cả ba đều đã thoái vốn với tư cách cá nhân.

Giai đoạn 2016 – 2019, tình hình kinh doanh của Vinh Gia khá “được”, xét trên doanh thu. Cụ thể, doanh thu thuần giai đoạn này tăng đều đặn từ 48 tỷ đồng (2016) lên 51 tỷ đồng (2017), 61 tỷ đồng (2018) rồi 63,6 tỷ đồng (2019).

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp có diễn biến không đồng pha với doanh thu. Sau các năm 2016 – 2018 tăng trưởng đều đặn, từ 19 tỷ đồng lên 22,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đảo chiều vào năm 2019 khi giảm xuống 13,5 tỷ đồng – thấp nhất trong 4 năm.

Lợi nhuận sau thuế của công ty còn “thảm” hơn khi trong giai đoạn 2016 – 2019, Vinh Gia chỉ báo lãi duy nhất vào năm 2016 với mức lãi khiêm tốn 71,6 triệu đồng. 3 năm sau đó, công ty chìm trong thua lỗ với mức lỗ lần lượt là: -3,7 tỷ đồng, -3,2 tỷ đồng và -6,7 tỷ đồng.

Về tài sản, trong cùng giai đoạn, quy mô tài sản của Vinh Gia tăng khá nhanh, từ 27 tỷ đồng lên 52,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tài trợ chính cho sự tăng trưởng này là sự phình ra của nợ phải trả. Trong cùng giai đoạn, nợ phải trả của công ty đã tăng từ 21,3 tỷ đồng lên 43,2 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty trồi sụt rất mạnh, từ 5,6 tỷ đồng (2016) lên 16 tỷ đồng (2017) rồi giảm xuống 12,9 tỷ đồng (2018) và 9,2 tỷ đồng (2019).

Hệ quả là Vinh Gia có hệ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) khá cao, lần lượt là: 3,8 lần (2016), 1,7 lần (2017), 2,6 lần (2018) và 4,7 lần (2019).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại