Tỉnh Cát Lâm, tâm chấn của làn sóng COVID-19 mới tại Trung Quốc, đã ghi nhận 3.076 ca nhiễm mới trong cộng đồng trong ngày 15/3, chiếm tới gần 90% tổng số ca nhiễm trên cả nước. Số liệu này cao gấp ba lần số ca nhiễm được ghi nhận chỉ một ngày trước đó.
Cũng trong ngày 15/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo 3.507 ca nhiễm COVID-19, tăng gấp đôi so với số liệu được công bố ngày hôm qua.
Ngoài Cát Lâm, các ca COVID-19 liên tục được phát hiện tại 20 tỉnh của Trung Quốc, bao gồm cả nhiều khu đô thị và khu kinh tế lớn như Thượng Hải, Quảng Đông.
Người dân Cát Lâm xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Xinhua
Vẫn chưa phải đỉnh dịch
Theo các chuyên gia tại Đại học Lanzhou, nơi đã thực hiện mô hình dự đoán diễn tiến COVID-19 trong hai năm qua, đợt bùng phát hiện tại ở Trung Quốc sẽ chỉ được kiềm chế vào đầu tháng 4 tới, với ước tính khoảng 35.000 người bị nhiễm bệnh vào thời điểm đó. Tại Hong Kong, dịch có thể được kiểm soát vào cuối tháng 4.
Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết, rất khó để xác định được các ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, do tỉ lệ tiêm chủng cao ở Trung Quốc, cũng như các triệu chứng không rõ ràng của biến thể này.
Trung Quốc kiên trì áp dụng chiến lược "zero COVID-19" từ khi đại dịch bùng phát cuối năm 2019, với mục tiêu đưa ca nhiễm về 0 bằng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và truy vết ngay khi phát hiện. Nhưng biến thể Omicron đang khiến nỗ lực này trở nên khó khăn.
Truyền thông Trung Quốc khuyến cáo chính quyền Cát Lâm đẩy mạnh xây dựng các bệnh viện dã chiến và khu điều trị COVID-19, cũng như tận dụng các địa điểm đang chưa sử dụng để đảm bảo cách ly đầy đủ các bệnh nhân COVID-19 cũng như những người đã tiếp xúc với họ, trong một nỗ lực duy trì chiến lược "zero COVID-19" ở nước này.
Chuyên gia về bệnh đường hô hấp Hong Kong Leung Chi-chiu cho biết, đây là thời điểm quan trọng để Trung Quốc đại lục áp dụng các biện pháp chống dịch triệt để, chẳng hạn như phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt, để giảm thiểu sự lây lan vì “các đợt bùng phát hiện tại vẫn còn ở mức khoanh vùng được đối với các cộng đồng riêng lẻ”.
“Vì tốc độ và mức độ truyền của Omicron cao nên các chiến lược như truy tìm trường hợp có thể được sử dụng trong giai đoạn đầu. Nhưng nếu không bắt kịp thời điểm đó... khả năng kiểm soát sự bùng phát sẽ biến mất”, ông nói thêm.
Trở ngại về kinh tế
Mặc dù số ca COVID-19 tại Trung Quốc vẫn thấp hơn so với trung bình số ca ghi nhận mỗi ngày toàn cầu, song các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ gia tăng các ca nhiễm hàng ngày trong vài tuần tới sẽ là một yếu tố quan trọng để xác định liệu phương pháp "thanh lọc động" của nước này, được hiểu là ngăn chặn triệt để ổ bùng phát sớm nhất có thể, vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Omicron hay không.
Ít nhất 11 thành phố và các huyện trên toàn quốc, nơi sinh sống của 56 triệu người, đã bị phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan, trong đó có thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông. Nhiều thành phố khác, bao gồm Thượng Hải, đã phong tỏa một số khu dân cư và tòa nhà, trong khi chính quyền tìm cách hạn chế gián đoạn sinh hoạt thường nhật.
Trong khi đó, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc cho biết, 106 chuyến bay quốc tế dự kiến đến Thượng Hải sẽ được chuyển hướng đến các thành phố nội địa khác từ ngày 21/3 đến ngày 1/5 do COVID-19.
Các doanh nghiệp Trung Quốc, từ nhà sản xuất ô tô BYD đến KFC, cho biết hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các biện pháp hạn chế COVID-19 mới nhất của nước này.
Yanzhong Huang, nhà phân tích chính sách y tế cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn của Mỹ, bày tỏ: "Chúng ta đang chứng kiến hai trong số những thành phố giàu có nhất của Trung Quốc là Thượng Hải và Thâm Quyến bị phong tỏa. Điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc?".
Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn tin đánh giá, khoảng một nửa GDP và dân số Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bùng phát mới nhất. Nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.