Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 19/2 tổ chức họp báo giới thiệu việc tiêm vaccine Covid-19 ở nước này. (Ảnh: china.com.cn)
Trong thông báo mới nhất, ông Ngô Lương Hữu, Cục phó Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, biến thể Omicron hiện đã trở thành dòng virus chính ở nước này. Với đặc điểm khả năng lây truyền mạnh, tốc độ lây lan nhanh, chủng virus này đã khiến nguy cơ bùng phát dịch cục bộ tại đây gia tăng đáng kể.
Trước thực trạng trên, Trung Quốc đã phê duyệt tiêm trộn các dòng vaccine khác với 3 loại vaccine bất hoạt của Sinopharm và Sinovac đang sử dụng chính hiện nay tại các khu vực trọng điểm.
“Sau khi thực hiện chiến lược tiêm chủng tăng cường hỗn hợp, các đối tượng mục tiêu đã hoàn thành quy trình tiêm chủng 3 loại vaccine bất hoạt trên có thể lựa chọn vaccine protein tái tổ hợp của Anhui Zhifei Longcom hoặc vaccine vector adenovirus của CanSino để tiêm tăng cường”, ông Ngô Lương Hữu cho biết.
Theo nghiên cứu của Trung Quốc, khả năng lây truyền của biến thể Omicron cao gấp đôi so với Delta, tuy nhiên miễn dịch tăng cường (tức tiêm mũi bổ sung) có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm đột phá của Omicron hơn 3 lần so với miễn dịch cơ bản (tức chỉ tiêm tối đa 2 liều). Trong số những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, 22,6% những người tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm bệnh, trong khi những người đã được tiêm nhắc lại chỉ có 6%.
Theo số liệu thống kê, kể từ khi khởi động tiêm vaccine tăng cường vào tháng 10/2021 đến nay, Trung Quốc đã tiêm được cho hơn 500 triệu người. Quyết định tiêm trộn được nước này đưa ra khi Omicron có khả năng lây truyền cao đang lan rộng khắp thế giới và nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêm trộn vaccine tăng cường có thể cung cấp sự bảo vệ tốt hơn chống lại biến thể.
Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc cho phép tiêm trộn vaccine có thể được coi là một phần của quá trình điều chỉnh tổng thể các biện pháp phòng chống dịch và chuẩn bị cho việc nới lỏng hơn các hạn chế trong tương lai./.