Bài viết dựa theo lời của cô Aarian Marshall, phóng viên mảng phương tiện di chuyển của tạp chí WIRED.
Sáng thứ Tư vừa rồi, thông qua mạng xã hội Twitter, Elon Musk thông báo với công chúng biết rằng Công ty Nhàm Chán – The Boring Company (là một cách chơi chữ, vì từ “boring” vừa nghĩa là khoan và đào, lại vừa có nghĩa là nhạt nhẽo) đã nhận được “lời chấp thuận từ phía chính phủ” về việc xây dựng đường hầm ngầm dành cho phương tiện Hyperloop của ông.
Con tàu chạy đệm từ được quảng bá là nhanh hơn cả máy bay này sẽ đi xuyên New York, Philadelphia và Baltimore rồi kết thúc chuyến hành trình của mình tại thủ đô Washington cũ kĩ.
Dự kiến, chuyến đi dài 364 km, mất 4 tiếng 30 phút bằng đường bộ này sẽ rút xuống chỉ còn 29 phút với hệ thống Hyperloop tiên tiến.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng nói rằng các quan chức cấp cao đã có “những buổi trò chuyện đầy khả quan” với Musk và với những người đứng đầu Công ty Nhàm chán. Tuy nhiên, họ từ chối đưa ra thêm bình luận về vấn đề này.
Bản thân Elon Musk cũng thừa nhận rằng dự án này còn phải xem xét nhiều mặt. “Một lời nói có hiển nhiên là không bằng việc đồng ý thông qua văn bản quy củ”, Musk hồi âm lại cô phóng viên Marshall của WIRED như vậy.
“Có lẽ phải bốn tới sáu tháng nữa chúng tôi mới có thể có văn bản chấp thuận, giả sử rằng dự án này nhận được sự hậu thuẫn từ cộng đồng nói chung”.
Tuy nhiên, tin xấu cho Elon Musk là đây: Nhà Trắng chẳng có nhiều quyền hành trong lĩnh vực phá đường xây hầm này, bởi lẽ đây là một dự án trải dài trên nhiều bang và phải đục phá vô số cơ sở hạ tầng.
“Lời đồng ý đó chẳng có nghĩa lý gì cả”, Adie Tomer, một nhà nghiên cứu chuyên về cơ sở hạ tầng thành phố tại Viện Brookings nói. “Chính phủ liên bang có thể nắm giữ chút đất đai, nhưng họ không sở hữu toàn khu vực hành lang phương Đông Bắc, và họ không có quyền”.
Dù rằng có chính phủ hậu thuẫn luôn là một điều tốt, nhưng chặng đường để được cấp phép vẫn còn dài và gian nan lắm.
Đường dài tưởng như thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh – Đây là những bước mà Elon Musk sẽ phải thực hiện để có được giấy phép xây dựng một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, nhiều triệu USD, trải dài trên nhiều miền đất nước Mỹ:
Phải nhận được sự hậu thuẫn của mọi người - Những người quan trọng
Đầu tiên, mọi bang, thành phố và khu vực tự trị liên quan tới dự án khổng lồ này phải gật đầu đồng ý.
Điều này là yêu cầu tất yếu, bởi lẽ Musk hứa hẹn rằng hệ thống Hyperloop của mình sẽ đi qua các trung tâm thành phố - đồng nghĩa với việc đường tàu sẽ được xây dựng bên dưới những nơi đông đúc người vui chơi và làm việc nhất. Musk và các cộng sự của mình sẽ phải gặp mặt vô số các nhà chức trách từ rất nhiều nơi.
Hệ thống đường của Musk sẽ đi qua 3 con sông và ít nhất 6 bang. Nếu chỉ một thành phố/thị trấn/bang nói không, dự án sẽ bị bỏ ngỏ. Musk cũng tự mình thấy được rằng việc xây dựng hệ thống Hyperloop sẽ sớm biến thành một cuộc tranh luận chính trị.
“Tôi nghĩ rằng dự án này sẽ tạo nên một điểm khác biệt tích cực với bất kì ai sử dụng con đường này, vì thế tôi mong mọi người sẽ bỏ chút thời gian, khuyên những cán bộ cấp cao biết rằng họ - người dân muốn đường hầm này được xây dựng”, Musk nói, cũng trong lời hồi âm gửi tới tạp chí WIRED.
Nhưng việc xây dựng một công trình khổng lồ này cũng làm e ngại nhiều cán bộ nhà nước, đơn cử như trong quá khứ, người đứng đầu Seattle đã bị cách chức do không đồng ý với việc xây dựng một căn hầm.
Các luật lệ mà Elon cần tuân theo
Kể cả khi những nhà cầm quyền liên bang đồng ý xây dựng dự án này, đưa một đường ray Hyperloop chạy xuyên nhiều bang và nhiều thành phố, vẫn không rõ được là ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho dự án.
Liệu đó có thể là Ủy ban Đường sắt Liên bang, những người chịu trách nhiệm khoản đường sắt tốc độ cao? Liệu đó có phải là Ủy ban Đường cao tốc Liên bang, những người gánh vác việc xây dựng đường?
Ai sẽ là người đưa ra những quy chuẩn về an toàn lao động, và theo dõi chặt chẽ Công ty Nhạt nhẽo của Musk làm việc? Đó là những câu hỏi chưa lời giải đáp.
Có lẽ, dự án này hiện tại vẫn đang quá lớn để có thể có người đứng ra đánh giá.
Kiếm đâu ra tiền nhỉ, hỡi ông tỉ phú?
Tiền nong vẫn là vấn đề với những người giàu, nhất là với những người giàu một tay phải giữ cho vài công ty hoạt động – Tesla, SpaceX, Solar City, The Boring Company. Và nhất là khi người đó đang tính xây một dự án đường sắt tỷ đô nữa.
Ví dụ ư? Việc nâng cấp đường sắt hành lang Đông Bắc nước Mỹ lên đường sắt tốc độ cao dự kiến sẽ tiêu tốn 123 tỷ USD. Việc xây hầm sẽ còn tốn kém hơn nữa. Musk cũng đã hứa hẹn rằng công nghệ đào đường của ông sẽ tăng tốc độ xây dựng lên nhiều lần và giảm cả giá thành xây dựng xuống.
Nhưng cũng chỉ là giảm xuống từ một mức cực cao xuống còn mức cao - ấy là Musk mong muốn vậy
Những ảnh hưởng tới môi trường mà họ phải đối mặt
Họ ở đây là cả người xây dựng, cả người cho phép xây dựng và cả những người chịu đựng khoảng thời gian xây dựng chưa biết là dài bao lâu.
Theo luật lệ được ban hành, thì mọi dự án xây dựng lớn cần phải được thẩm định kĩ càng, xem nó ảnh hưởng thế nào tới môi trường và từ đó, đưa ra được những Tuyên bố Ảnh hưởng tới Môi trường – Environmental Impact Statements.
Một nghiên cứu hồi năm 2008 cho thấy thời gian trung bình để đưa ra được những Tuyên bố trên là từ 3 năm rưỡi trở lên, có những dự án mất tới 18 năm mới xong. Chưa kể chi phí của việc khảo sát này lên tới hàng triệu USD tiền của chính phủ.
Và nếu không thông qua được những điều kiện ngặt nghèo này, một dự án có thể bị “xếp xó” luôn.
Và cuối cùng, đó chính là khó khăn trong việc dựng nên một hệ thống Hyperloop
Công nghệ này hay, mới mẻ, tiên tiến, đẹp mắt, tiện lợi, nhanh chóng; có điều là nó chưa có thực.
Nửa tháng trước, công ty Hyperloop One – một trong nhiều nhà đầu tư quyết định dấn thân vào “cung đường ray” đầy rủi ro này – đã có một thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, họ mới chỉ thành công trên một đường ray dài 96 mét, với vận tốc 112 km/h – kém 10 lần vận tốc mà Hyperloop cần phải đạt tới.
Đường phát triển công nghệ này còn dài, mà đường xin chờ cấp thủ tục cũng dài. Liệu chăng, đây là cách mà Elon Musk đối phó với vấn đề? Chờ cả hai được hoàn thiện cùng một lúc rồi tiến hành xây dựng và lắp đặt luôn?
Nhưng một lần nữa, yếu tố thời gian lại làm chúng ta vài phần nản lòng: phải chờ lâu nữa, ta mới có thể được đi tàu Hyperloop thay máy bay dân dụng.