Hơn 20 năm xây dựng
Áp Lễ Giáng sinh 2016, chúng tôi có chuyến thăm quần thể nhà thờ đá Phát Diệm để khám phá vẻ đẹp kỳ bí ở nơi được mệnh danh là "Kinh đô Công giáo Việt Nam".
Tiếp chúng tôi, linh mục Francisco (F.X) Huy nhiệt tình chỉ cho chỗ đỗ xe miễn phí rồi làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi thăm quần thể nhà thờ.
"Nhiều người nhận xét công trình này giống đình chùa cũng đúng, bởi linh mục Trần Lục - kiến trúc sư của công trình có mong muốn rằng, qua công trình này nói lên tính hòa hợp và sự hội nhập, giao thoa giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc, cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam".
Linh mục F.X Huy
Linh mục F.X Huy cho biết, cái tên Phát Diệm do Danh điền tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) - người có công quai đê lấn biển, lập nên huyện Kim Sơn đặt tên, với ý nghĩa phát sinh ra cái đẹp. Quần thể nhà thờ Phát Diệm do linh mục Peter Trần Lục, còn được người dân gọi là cụ Sáu, khởi công xây dựng vào năm 1875 và đến năm 1898 mới cơ bản hoàn thành. Hiện quần thể gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có 1 nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), 1 Phương Ðình (nhà chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo.
"Nhiều người nhận xét công trình này giống đình chùa cũng đúng, bởi linh mục Trần Lục - kiến trúc sư của công trình có mong muốn rằng, qua công trình này nói lên tính hòa hợp và sự hội nhập, giao thoa giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc, cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam" - linh mục F.X Huy cho biết.
Vừa giới thiệu về nhà thờ, linh mục F.X Huy vừa dẫn chúng tôi tham quan hồ nước ngay gần cổng vào, được gọi là Ao Hồ. Giữa hồ nước có một hòn đảo nhỏ đặt tượng chúa Jesus đang dang rộng cánh tay.
Phía sau Ao Hồ là tòa Phương Ðình bằng đá đồ sộ, mái uốn cong mang hơi thở đình chùa nhà Phật, cũng là nét kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc Việt.
Bao quanh cụm công trình Ao Hồ, Phương Ðình là những hàng cây cổ thụ tỏa tán rộng lớn, tạo cảm giác gần gũi, thân quen như hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình.
Kiến trúc độc nhất vô nhị
Ði cùng đoàn chúng tôi hôm đó có kiến trúc sư Trần Trùng Dương, Công ty A.A.Partners, trụ sở tại TPHCM.
Kiến trúc sư Dương cho rằng: Sở dĩ nhà thờ Phát Diệm được nhiều kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới tìm đến nghiên cứu bởi công trình này rất đặc biệt.
Theo thiết kế nhà Việt cổ, thường đổ nền thấp nhằm tránh bão gió, nhưng nhà thờ Phát Diệm đổ nền rất cao. Vào thời điểm khởi công công trình, khu vực nhà thờ Phát Diệm chỉ là bãi bồi, cách biển vài trăm mét nên việc gia cố nền móng rất quan trọng.
Vậy mà trải qua hàng trăm năm, ngôi Thánh đường này vẫn đứng vững trước giông bão, như thách đố các kiến trúc sư dày công tìm hiểu.
Tầng 2 của Phương Ðình treo một trống lớn, còn tầng 3 treo một quả chuông cao 1,4m, nặng gần 2.000kg, được đúc vào năm 1890.
Kiến trúc sư Dương phân tích: Các nhà thờ kiến trúc phương Tây, trong lòng chuông thường có con lắc để kéo chuông, trong khi quả chuông ở nhà thờ đá Phát Diệm lại được gõ bằng thân gỗ.
Ở một số công trình kiến trúc cổ Á Ðông, chuông thường đi với trống và bố trí theo nguyên tắc "tả chung hữu cổ - chuông bên tay trái, trống bên tay phải".
Ở Phương Ðình Phát Diệm cũng có chuông và trống, nhưng cách bố trí được vận dụng sáng tạo cho phù hợp với các ngôi nhà thờ Công giáo. Do vậy mà chuông (dương) được đặt ở tầng trên, trống (âm) được đặt ở tầng dưới.
Tại nhà thờ lớn, linh mục F.X Huy cho biết công trình này được xây dựng từ năm 1891 với tên chính thức là nhà thờ Ðức Mẹ Mân Côi. Bên trong nhà thờ có 52 cột đỡ, sắp xếp thành 6 hàng, chia không gian nhà thờ thành 9 gian.
Các vách tại gian Cung thánh làm bằng gỗ, được chạm trổ công phu, tinh xảo, sơn son thếp vàng. Bàn thờ chính làm bằng đá, cũng được chạm khắc hết sức tỉ mỉ.
Trước bàn thờ chính còn có 6 phiến đá đặt chìm ở trên sàn, là nơi chôn 6 vị giám mục.
Nhà thờ Trái tim Ðức Mẹ (nhà thờ Ðá). Ảnh: Ð.H.
Theo linh mục F.X Huy, sẽ là thiếu sót nếu đến nhà thờ Phát Diệm mà không thăm viếng nhà thờ Trái tim Ðức Mẹ, còn gọi là nhà thờ đá.
Công trình này được coi là "viên ngọc quý" của quần thể nhà thờ Phát Diệm, từ cột kèo, vách tường làm hoàn toàn bằng đá xanh lấy từ núi Nhồi tận Thanh Hóa.
"Bàn thờ Ðức Mẹ bên trong nhà thờ được làm bằng đá, nhưng dưới đôi bàn tay điêu khắc tài hoa của các nghệ nhân, đá đã biến thành những bông cúc, bông sen, cây tùng, hình chim phượng… vô cùng mềm mại và sống động" - linh mục F.X Huy cho biết.
Tại nhà thờ Phát Diệm, thánh lễ được diễn ra tại nhà thờ chính tòa, còn các nhà thờ xung quanh nhằm tưởng nhớ 4 vị thánh, đồng thời góp phần tạo sự bề thế, hài hoà cho khu nhà thờ chính.
Kiến trúc sư Trần Trùng Dương. Ảnh: H.M.
Sừng sững trước bom đạn
Với người dân Kim Sơn hay bất cứ du khách nào khi đến đây đều không thể hiểu nổi, vì sao từng bị bom đạn bắn phá ác liệt mà nhà thờ Phát Diệm vẫn không hề bị sứt mẻ?
Linh mục F.X Huy cho biết, năm 1953, súng đại bác của thực dân Pháp bắn vào gian cuối phía đông nhà thờ lớn, song toàn bộ công trình chỉ bị hư hại nhẹ.
15/8/1972, máy bay B52 của Mỹ dội 8 quả bom từ khu vực nhà chung (đầu nhà thờ lớn) ra tới khu vực ao hồ (cuối nhà thờ), nhưng không hiểu sao công trình này không hề hấn gì.
Một lần khác, máy bay B52 của Mỹ dội hàng loạt bom đã khiến nhà thờ Phát Diệm nghiêng về phía tây bắc 15 - 20cm.
Ðiều kỳ lạ là chỉ khoảng 5 - 7 năm sau, ngôi Thánh đường này lại trở về trạng thái cân bằng, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Về việc này, kiến trúc sư Dương phân tích: "Móng nhà thờ Phát Diệm được thiết kế với nhiều bè mảng tre, nứa, những hòn đá được xếp nghiêng 45 độ vào tâm, vì vậy nếu bị rung chuyển, nó sẽ trượt vào tâm, không thể sụp đổ.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ này vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải chính xác, càng làm tăng thêm sự kỳ bí của quần thể nhà thờ, lôi cuốn các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư trong nước và quốc tế tìm đến tham quan, tìm hiểu".