Mặc dù hội nghị G20 đã ghi nhận dấu mốc là hiệp định về thay đổi khí hậu, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn không đi tới thỏa thuận nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Theo các nhà quan sát, cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập trực tiếp tới những bất đồng liên quan tới hàng loạt vấn đề về thương mại và an ninh.
Trả lời tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), nhà nghiên cứu Steve Tsang thuộc Viện Chính sách Trung Quốc tại ĐH Nottingham, Anh cho biết: "Cuộc nói chuyện thẳng thắn giữa ông Obama và ông Tập diễn ra sai thời điểm, nên gần như sẽ không có tác dụng gì."
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc ĐH Nhân dân tại Bắc Kinh, ông Thời Ân Hoằng nói: Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc gần 20 vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, nhưng không có nhiều tiến triển. Ông Thời nói thêm: "Họ cũng không nới lỏng lập trường cứng rắn trong tranh chấp Biển Đông."
Bàng Trung Anh, một nhà nghiên cứu khác tại ĐH Nhân dân, cho rằng mặc dù đã có các cuộc hội đàm khó khăn về an ninh hàng hải và nhân quyền, ông Obama có vẻ tập trung hơn vào di sản ngoại giao của cá nhân, đặc biệt là chủ đề biến đổi khí hậu.
Giới nghiên cứu cho rằng hiệp định biến đổi khí hậu rõ ràng nhằm mục đích "tô hồng" mối quan hệ hiện đang căng thẳng giữa 2 nước, phù hợp với quan điểm của cả Tập Cận Bình và Obama.
Ông Thời Ân Hoằng nhận định, mặc dù việc tuyên bố hiệp định chỉ là một nước cờ nhằm "tái khẳng định" các cam kết trước đây của 2 nước, "bầu không khí sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có nước cờ đó."
Theo Steve Tsang, việc thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là "nhân tố chủ chốt trong kế hoạch của Bắc Kinh để cho thế giới thấy sự thành công của Trung Quốc khi giữ vai trò chủ trì G20 tại Hàng Châu".
"Phải cần thời gian mới biết hiệp định sẽ được thực hiện đến đâu. Tuy nhiên, lời tuyên bố này sẽ giúp Trung Quốc nắm chắc thành công về mặt ngoại giao".
Chấp nhận bất đồng
Ông Bàng nói: "Có vẻ như kết cục tốt nhất mà Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được vào thời điểm này là chấp nhận quan điểm bất đồng đối với hầu hết các vấn đề song phương."
Mặc dù tồn tại nhiều khác biệt, cả hai nhà lãnh đạo đều hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung.
"Ông Tập có lịch trình rất bận rộn trong thời gian G20 diễn ra, nhưng vẫn dành nhiều thì giờ để hội đàm với Tổng thống Obama. Điều này cho thấy ông Tập đặt quan hệ với Mỹ lên ưu tiên hàng đầu", ông Bàng trả lời SCMP.
Đáp lại thịnh tình, Tổng thống Obama đã cố gắng giữ thể diện cho nước chủ nhà và đánh giá cao cuộc nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc: "Buổi hội đàm hôm qua rất hiệu quả và hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa."
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tao Wenzhao, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cả Mỹ và TQ đều ngầm hiểu rằng cần duy trì quan hệ ổn định trong 5 tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
Hai quốc gia sẽ vẫn đối đầu trong loạt vấn đề, bao gồm tranh chấp lãnh hải và an ninh mạng. "Điểm chung duy nhất là cả 2 nước đều không muốn chiến tranh do các tranh chấp tại Biển Đông," ông Tao nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama có thể sẽ đối đầu với Trung Quốc tại hội nghị ASEAN sắp tới ở Lào, khi Mỹ và các đồng minh sẽ tìm cách đưa vấn đề biển Đông ra bàn thảo. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham dự hội nghị.