Obama đã đưa tay đập tan liên minh Mỹ - Ả rập Xê út

Đào Cảnh |

Một số chuyên gia phân tích, trong đó có cả các chuyên gia của Ả rập xê út, cho rằng lỗi lớn làm nảy sinh rạn nứt trong quan hệ hai bên thuộc về ông Obama, một thủ lĩnh “yếu đuối” và không thể thực hiện được các cam kết của mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thực hiện chuyến công du đến một loạt quốc gia được coi là đồng minh thân cận nhất của mình trong một vài ngày tới.

Một trong những điểm dừng đáng chú ý trong chuyến công du này là Ả rập Xê út nhưng vấn đề đặt ra là liệu Ả rập Xê út có còn là đồng minh thực sự của Mỹ?

“Tất cả đều phức tạp”

Cho đến tận thời điểm gần đây, rất ít người có thể tỏ ra nghi ngờ tính vững bền của “Hiệp ước Kuinsi”- hiệp ước về quan hệ liên minh Mỹ - Ả rập Xê út được ký kết năm 1945 trên tàu tuần dương hạm Kuinsi.

Từ hiệp ước này, hai bên đã thành công trong việc hiện thực hóa các lợi ích chung (ví dụ như kiềm chế Iran), đồng thời vượt qua được các thời khắc có thể bùng phát mâu thuẫn (ví dụ như vấn đề Israel).

Tuy nhiên, kể từ sau khi ông Obama lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, tình thế đã có nhiều sự thay đổi và những vết rạn trong quan hệ hai bên ngày càng trở nên sâu sắc hơn.

Một số chuyên gia phân tích, trong đó có cả các chuyên gia của Ả rập xê út, cho rằng lỗi lớn làm nảy sinh rạn nứt trong quan hệ hai bên thuộc về ông Obama, một thủ lĩnh “yếu đuối” và không thể thực hiện được các cam kết của mình.

Ngoài ra, ông Obama còn bị cáo buộc có những thù hằn cá nhân với Ả rập xê út khi trong một bài phát biểu năm 2012, ông Obama đã từng gọi Ả rập xê út là “cái gọi là đồng minh của Mỹ”.

Còn khi trả lời câu hỏi trực tiếp của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull về việc liệu Ả rập xê út có là bạn của Mỹ hay không, Tổng thống Obama chỉ trả lời với nụ cười khó hiểu là “Tất cả đều phức tạp”.

Trên thực tế, sự xói mòn “Hiệp ước Kuinsi” chủ yếu là do các tiến trình khách quan khi các lợi ích của hai bên ở nhiều thời điểm nhất định là khác nhau. Điển hình là sự kiện các cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập”.

Người Mỹ khi đó chưa thực sự sẵn sàng cho các cuộc cách mạng này và các cuộc cách mạng này lại diễn ra theo kịch bản của Ả rập xê út vạch ra chứ không phải theo kịch bản của Mỹ.

Người Mỹ không ưa một số nhà độc tài trong khu vực này nhưng chính quyền Mỹ còn không ưa các “phần tử Hồi giáo cực đoan” được Ả rập xê út ủng hộ hơn nhiều lần.

Có lẽ nguyên nhân trên chính là một trong nhiều yếu tố khiến Tổng thống Mỹ B.Obama quyết định không đưa quân đội vào Syria cho dù Ả rập xê út tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm tài chính cho hành động này, ngay cả khi Mỹ có cớ để đưa quân can thiệp vào Syria vì Tổng thống Syria “sử dụng vũ khí hóa học”.

Chính vì vậy, hiện Ả rập xê út đang có hành động chống lại các lợi ích của Mỹ ở Syria.

Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và Ả rập xê út là việc Mỹ ký kết “hợp đồng hạt nhân” với Iran. Chắc chắn đây không phải là hành động bột phát mà là hành động đã được chuẩn bị kỹ từ trước đó.

Cho dù hợp đồng này khó có thể hình thành “trục quan hệ Mỹ-Iran” nhưng nó cho thấy Mỹ đã từ bỏ chiến lược kiềm chế toàn cầu đối với Iran và bắt đầu thực hiện chính sách cùng với Iran tạo dựng các “luật chơi mới” ở Trung Đông.

Xét bối cảnh quan hệ Iran-Ả rập xê út hiện nay không chỉ đơn giản là xung đột mà là đã leo thang lên mức “được ăn cả, ngã về không” (tức là bất cứ sự suy yếu nào của Ả rập xê út cũng đều đem đến lợi thế cho Iran và ngược lại), giới lãnh đạo Ả rập xê út không chỉ phản đối quá trình tạo dựng các luật chơi mới ở Trung Đông mà còn coi hành động của Mỹ là một sự phản bội.

Tổng thống Mỹ và Quốc vương Ả rập Xê út
Tổng thống Mỹ và Quốc vương Ả rập Xê út

Bàn tay của Ả rập Xê út

Theo giới phân tích chính trị, cho dù vẫn còn một số bất đồng nhưng trong khuôn khổ chuyến thăm Ả rập xê út sắp tới, Tổng thống Mỹ sẽ cố gắng bằng cách nào đó để xóa bỏ những mâu thuẫn này.

Theo kế hoạch, ông Obama sẽ có cuộc gặp gỡ với Quốc vương Ả rập xê út Salman vào ngày 20/4 và trong ngày hôm sau, ông Obama cũng sẽ có thể gặp gỡ với lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo khác (vì hội nghị của Hội đồng hợp tác giữa các nước Ả rập vùng vịnh Persic đang diễn ra ở Ả rập xê út, trùng thời điểm chuyến thăm của ông Obama).

Tuy nhiên, một loạt các chuyên gia phân tích chính trị Mỹ cho rằng Tổng thống Mỹ nên trao đổi với Quốc vương Ả rập xê út các vấn đề thực tế chứ không phải các vấn đề mang tính ngoại giao.

Trước chuyến thăm của ông Obama, một số thượng nghị sỹ Mỹ còn lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ công bố “28 trang tài liệu mật” trong bản báo cáo về sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 về sự dính líu của Ả rập xê út đến vụ khủng bố này.

Trước đó, trong một thời gian khá dài, các chuyên gia và các chính trị gia Mỹ đã nhắc đến sự dính líu của Ả rập xê út đến sự kiện 11/9/2001.

Theo tài liệu do thượng nghị sỹ Bob Gram công bố, 28 trang tài liệu trên đã chỉ rõ rằng một số tổ chức, quan chức cấp cao trong đó có cả các thành viên Chính phủ Ả rập xê út đã tài trợ cho các phần tử khủng bố thực hiện vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ.

Theo giới chuyên gia, lý do Mỹ không cho công bố 28 trang tài liệu này là do “đảm bảo an ninh quốc gia” vì chính quyền Obama không muốn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương với Ả rập xê út.

Bản thân El-Riyadh coi việc công bố sự kiện về “28 trang tài liệu mật” như là hành động thiếu thân thiện. Ả rập xê út đã lên tiếng đe dọa sẽ bán tháo 750 tỷ USD tài sản ở Mỹ nếu như phần tài liệu này được công bố.

Theo Ngoại trưởng Ả rập xê út Adel al-Dzhubeyr, hành động này không phải là “sự trả thù” mà chỉ đơn giản là để đảm bảo các tài sản của Ả rập xê út không bị phong tỏa nếu như các trang tài liệu trên được công bố.

Tuy nhiên, trên thực tế, đây có thể coi là lời cảnh báo của Ả rập xê út nên chính quyền ông Obama đang kịch liệt phản đối dự luật công bố 28 trang tài liệu trên.

Nguyên nhân là do nếu Quốc hội Mỹ cho công bố 28 trang tài liệu này, Ả rập xê út có thể sẽ thực hiện lời đe dọa của họ và khi đó, hành động này của Ả rập xê út có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế mới ở Mỹ và có thể lan ra toàn thế giới.

Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích dự đoán rằng chuyến thăm Ả rập xê út tới đây của Tổng thống Mỹ sẽ không hề đơn giản với Tổng thống Obama để có thể giải tỏa sức ép từ trong nước nhưng vẫn đảm bảo sẽ không làm tổn hại đến quan hệ với Ả rập xê út.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại