Reuters nói rằng chính quyền Mỹ đang thảo luận về vấn đề này, trong khi chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của ông Obama tới Việt Nam vào cuối tháng 5, nhằm tăng cường mối quan hệ song phương, trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông gia tăng.
Nếu được thực hiện, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình bình thường hóa quan hệ bắt đầu cách đây 21 năm giữa hai nước.
Trước đó, vào tháng 10/2014, ông Obama đã nới lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam.
Nguồn tin cho hay, nhiều quan chức Lầu Năm Góc cho rằng việc dỡ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực quân sự trên Biển Đông.
Đẩy mạnh năng lực an ninh cho các đồng minh và đối tác là một nội dung chủ chốt trong chiến lược xoay trục về phía châu Á-Thái Bình Dương, một trọng tâm chính sách đối ngoại của ông Obama.
Tuy
nhiên, theo nguồn tin thân cận từ Nhà Trắng, một nhân tố chính trong
quyết định cuối cùng của ông Obama về dỡ cấm vận vũ khí cho Việt Nam là
liệu Việt Nam có xúc tiến các thương vụ quốc phòng lớn với các công ty
Mỹ hay không.
Nếu Việt Nam xúc tiến những thương vụ như vậy, thì Quốc hội Mỹ có thể sẽ giảm bớt sự phản đối nhằm vào việc dỡ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, nguồn tin nói.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu mua vũ khí từ Nga, bao gồm loạt tàu ngầm Kilo.
Trong
một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố sẽ ủng hộ việc dỡ các hạn chế đối với việc
bán vũ khí của Mỹ cho Việt Nam.
Tuyên bố này của ông Carter đã khiến
Nhà Trắng bất ngờ.Ông Obama có quyền "bỏ qua" Quốc hội Mỹ để dỡ
lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn
hy vọng nhận được sự ủng hộ của Quốc hội trong vấn đề này, đặc biệt là
từ thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain, một cựu tù binh Mỹ trong chiến
tranh ở Việt Nam.
Ông McCain là người đồng ý Mỹ nới lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2014.