Oái oăm ghế Interpol

Hoàng Quốc Dũng |

Lần đầu tiên Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chiếm ghế quyền lực ở tổ chức cảnh sát hình sự lớn nhất thế giới nhưng đã gây tranh cãi.

Hôm 25/11, tướng Ahmed Nasser al-Raisi, tổng thanh tra bộ nội vụ UAE bị cáo buộc dính líu nhiều vụ tra tấn, trúng chức chủ tịch Interpol sau nhiều tháng vận động ráo riết. Sân chơi quốc tế dường như vẫn bị chi phối bởi phương ngôn “tiền nói”.

Tướng Raisi giành chức chủ tịch Interpol nhiệm kỳ bốn năm không đơn thuần vấn đề cá nhân. Ông giành 68,9% phiếu sau ba vòng đua với đối thủ duy nhất là một nữ đại tá Czech. Chủ tịch không xử lý công việc hằng ngày, mà do tổng thư ký nhiệm kỳ năm năm thực hiện, nhưng đáng chú ý ở chỗ ông không nhận lương.

Ông không hưởng lương có vẻ bất thường. Theo website của mình, ông gia nhập cảnh sát Abu Dhabi năm 1980 với tư cách thành viên "chi nhánh báo trộm". Nay ông thêm chức chủ tịch một đại học Mỹ và chủ tịch hội đồng quản trị câu lạc bộ Baniyas. Ông chưa phải tỷ phú.

Sau ông là gì? Gần đây UAE thành nhà tài trợ lớn thứ hai cho Interpol. Năm 2017, họ chi 57 triệu USD, gần bằng đóng góp của 195 nước thành viên. Năm 2019, họ hứa chi 10 triệu USD, chiếm 7% ngân sách hằng năm của Interpol. Năm 2020, tài trợ của họ đạt 60 triệu USD.

Khó hiểu là tại sao UAE chọn Ahmed tai tiếng. Ông bị cáo buộc phớt lờ nhiều khiếu nại quốc tế về vi phạm nhân quyền. Nhà nghiên cứu người Anh Matthew Hedges tố cáo Ahmed chứng kiến tra tấn ông từ tháng 5-8/2018 vì cáo buộc ông làm gián điệp. Ali Issa Ahmad người Anh gốc Sudan bị bắt năm 2019 chỉ vì mặc áo thể thao có hình nước láng giềng thù địch Qatar và cũng bị đánh đập nặng nề.

Phản đối còn đến từ các thực thể. Từ 19 tổ chức nhân quyền đến ba thành viên trong Nghị viện Châu Âu, và năm nước - trong đó có Pháp - nơi đặt trụ sở của Inerpol và Thổ Nhĩ Kỳ nơi diễn ra hội nghị Interpol. Cố vấn tổng thống UAE cho biết các cáo buộc là một phần của "chiến dịch bôi nhọ và bôi nhọ có tổ chức và dữ dội", khi mà kết quả bầu cử đã "ngự trị trên tảng đá của sự thật".

Tướng Raisi bị cáo buộc trực tiếp giám sát nhiều vụ bạo hành và giờ làm chủ tịch Interpol, một tổ chức mà nghị sỹ Mỹ Roger Wicker nói bị chính trị thao túng. Đây là ví dụ nước giàu có thể dùng tiền bạc đề đạt quyền lực mềm. Các diễn đàn thế giới đâu đó có lẽ vẫn vương vấn với nạn “có tiền mua tiên cũng được”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại